Cảnh báo người mắc bệnh đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa
Theo giáo sư Trần Bình Giang, những người bệnh mắc đột quỵ khi điều trị không kịp thời, không tốt sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.
Phục hồi chức năng cho một nữ bệnh nhân tại Khoa Nội Hồi Sức thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Sự phát triển của mô hình bệnh tật tại Việt Nam hiện nay đang thay đổi. Trước kia là mô hình bệnh tật của một nước đói nghèo, với nhiều bệnh truyền nhiễm, giờ chuyển sang mô hình bệnh tật mới, chiếm chủ yếu là các bệnh về chuyển hóa.
Những bệnh chuyển hóa gồm: Cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipit với hậu quả gây ra là bệnh lý về mạch máu não và bệnh đột quỵ, với tỷ lệ ngày càng tăng. Đáng lưu ý, những người mắc bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân là do lối sống thay đổi.
Giáo sư Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết như vậy tại buổi lễ ra mắt Đơn vị đột quỵ-Khoa Nội hồi sức thần kinh diễn ra sáng 25/11 tại Hà Nội.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tại Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc bệnh đột quỵ hàng năm. Điều đáng lo ngại là bên cạnh bệnh không lây nhiễm, những người mắc bệnh đột quỵ đang gia tăng lên một cách nhanh chóng, trong đó 1/3 số trường hợp mắc bệnh đột quỵ là ở những người trẻ tuổi (từ 40-45 tuổi).
Theo giáo sư Trần Bình Giang, đến nay những trung tâm chuyên khoa để điều trị bệnh đột quỵ hiện đại tại Việt Nam đang rất ít, trong khi đó với những người bệnh mắc đột quỵ khi điều trị không kịp thời, không tốt sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Nhiều trường hợp qua được cơn đột quỵ nhưng để lại di chứng vô cùng nặng nề và trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và trong xã hội, bởi họ bị liệt không đi lại, không lao động được, vì vậy việc điều trị bệnh đột quỵ sớm rất quan trọng.
“Những người trẻ uống rượu bia, thuốc lá, ăn nhiều thức ăn giàu lipit, đồ chiên, dán, đồ ăn nhanh, những chất kích thích, thể dục thể thao ít làm cho tình trạng sơ vữa mạch máu tăng và tiến triển rất nhanh. Nhiều người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn chuyển hóa lipit, men gan… vì vậy tình trạng xơ vữa mạch máu xảy ra sớm. Khi người trẻ bị xơ vữa mạch máu như vậy là nguyên nhân quan trọng của việc tổn thương mạch máu não trong bệnh đột quỵ ở những người trẻ tuổi,” giáo sư Trần Bình Giang phân tích.
Sự ra đời của đơn vị đột quỵ là nền móng để bệnh viện phối hợp triển khai các kỹ thuật cao trong chẩn đoán liên quan đến các bệnh về thần kinh, mạch máu… Bệnh viện có quá trình chuẩn bị công phu, với đội ngũ các chuyên gia về nội thần kinh, nội khoa, các thiết bị để thăm dò về nội khoa thần kinh, hệ thống máy điện não.
Người bệnh đột quỵ khi vào viện được chăm sóc điều trị bởi những chuyên gia giỏi nhất về mổ phẫu thuật thần kinh, những kỹ thuật hiện đại nhất về vi phẫu, mổ thức tỉnh, kỹ thuật mổ với sự trợ giúp của robot phẫu thuật, phục hồi chức năng… và những thiết bị hiện đại nhất, hệ thống thiết bị dành cho chẩn đoán và can thiệp hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay.
Theo bác sỹ Tuấn, ngày nay với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, với các phương tiện mới, thuốc mới càng ngày càng đưa ra trong điều trị cứu sống được nhiều người bệnh họ trở lại với cuộc sống bình thường nên việc điều trị và phát hiện sớm là yếu tố tiên quyết.
Hiện nay, trên cả nước mới chỉ có hơn 10 trung tâm chữa bệnh đột quỵ. Ngành y tế đang đề nghị thành lập các trung tâm chữa bệnh đột quỵ tại các bệnh viện để có biện pháp chăm sóc toàn diện nhằm tiếp nhận bệnh nhân sớm, điều trị toàn diện và khắc phục kịp thời những di chứng của bệnh gây ra khi bệnh nhân được đưa tới viện muộn.
Việc xây dựng các đơn vị chữa bệnh đột quỵ chuyên sâu sẽ cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục tốt cho người bệnh đột quỵ não./.
Ý kiến ()