Cảnh báo mới của WHO về bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 29/6, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại trước tình trạng bệnh đậu mùa khỉ vẫn không ngừng lây lan. Điều này cho thấy virus vẫn đang phát triển và có thể ảnh hưởng đến những nhóm nguy cơ cao.
Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ vẫn tiếp tục lây lan trên toàn thế giới có thể tạo cơ hội để virus lây lan đến các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc trẻ em.
WHO hiện đang điều tra các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em, trong đó có 2 ca ở Anh cùng những người mắc bệnh tại Tây Ban Nha và Pháp. Trong số các ca đậu mùa khỉ ở trẻ em được ghi nhận cho đến nay, không có ca nào nghiêm trọng.
Hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận ở hơn 50 nước (không tính các nước ở châu Phi đã coi đây là bệnh lưu hành).
Kể từ khi bùng phát vào tháng 5 vừa qua, tính đến ngày 22/6, thế giới đã ghi nhận hơn 3.400 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 1 ca tử vong. Số ca mắc mới chủ yếu được phát hiện ở châu Âu, trong nhóm nam giới có quan hệ đồng tính.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ở các nước coi bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành cũng ghi nhận hơn 1.500 ca mắc, trong đó có 66 ca tử vong.
Vào tuần trước, WHO cho rằng đợt dịch này chưa gây ra tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng, mức độ cảnh báo dịch bệnh cao nhất của WHO.
Tuy nhiên, trong phát biểu mới, Tổng Giám đốc WHO cho biết Tổ chức này đang theo dõi chặt chẽ đợt bùng phát và sẽ triệu tập ủy ban khẩn cấp họp ngay khi có thể để đánh giá về tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, WHO cũng đang làm việc về một cơ chế phân phối vaccine đồng đều hơn sau khi một số nước, trong đó có Anh và Mỹ, đề xuất sẵn sàng chia sẻ vaccine phòng bệnh đậu mùa được dự trữ sẵn. Vaccine phòng bệnh đậu mùa được tin là cũng có hiệu quả bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ.
Nhiều nước lên kế hoạch phòng ngừa
Theo kế hoạch công bố ngày 28/6, trong vài tháng tới, Mỹ sẽ chuyển 296.000 liều vaccine Jynneos phòng bệnh đậu mùa khỉ của Công ty Bavarian Nordic tới các khu vực có số ca lây nhiễm hiện nay để khống chế dịch lây lan.
Tại châu Âu, nơi chiếm tới 86% số ca mắc mới của toàn thế giới, ngày 28/6, Cơ quan ứng phó tình huống y tế khẩn cấp của Ủy ban châu Âu đã chuyển lô vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên gồm 5.300 liều tới Tây Ban Nha, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bệnh đậu mùa khỉ.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu khuyến nghị sử dụng phiên bản vaccine có tên gọi Jynneos sản xuất tại Mỹ và đã được Cơ quan an toàn dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép sử dụng để phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ.
Tại Hàn Quốc, ngày 28/6, Công ty Seegene cho biết họ đã phát triển loại thuốc thử để chẩn đoán việc nhiễm đậu mùa khỉ.
Loại thuốc nói trên có tên gọi “NovaplexTM MPXV Assay” có thể xác định việc nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 90 phút.
Ngày 22/6, Hàn Quốc xác nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở một người Hàn Quốc trở về từ Đức.
Chính phủ Hàn Quốc xếp bệnh đậu mùa khi vào loại bệnh truyền nhiễm cấp độ 2 trong thang 4 cấp độ./.
Ý kiến ()