Cảnh báo mất an toàn khi người dân dùng bè mảng di chuyển tại lòng hồ Bản Lải
– Hồ chứa nước Bản Lải, huyện Lộc Bình có dung tích chứa khoảng 164,3 triệu mét khối nước, hiện trong khu vực lòng hồ có gần 30 thuyền vỏ sắt tự chế, trên 100 chiếc bè tre, bè mảng của người dân tại các xã: Tú Đoạn, Khuất Xá, Tĩnh Bắc, Sàn Viên được sử dụng để đi lại, chở hàng hoá. Hầu hết các phương tiện đều do người dân tự đóng, không đáp ứng các quy định về an toàn kỹ thuật, không có đăng ký, đăng kiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.
Theo quan sát của phóng viên, tại điểm tập kết bè mảng thôn Tằm Hán, xã Tĩnh Bắc có 10 chiếc bè mảng kết nối bằng thân cây tre của người dân địa phương đang neo giữ. Do địa điểm này là con đường cũ, nhô ra lòng hồ, tiếp giáp với mực nước sâu thuận lợi cho việc lên, xuống bè mảng khi qua lòng hồ nên người dân thường tập kết phương tiện tại đây.
Người dân di chuyển bằng bè tre trên hồ chứa nước Bản Lải
Ông Hoàng Văn Phú, người dân xã Tĩnh Bắc cho biết: Trước đây, khi mức nước chưa cao như bây giờ, người dân nơi đây vẫn thường đi trên con đường này để lên nương, lên lán trại chăn nuôi ở bờ bên kia. Nay nước dâng cao, nếu đi đường bộ sang khu chăn thả gia súc thì phải mất cả giờ đồng hồ theo đường vòng bằng xe máy, nhưng đi bằng bè mảng thì chỉ mất khoảng từ 20 đến 30 phút. Vì vậy, dù biết là nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn chọn phương án là đi bè mảng cho nhanh.
Sau hơn một giờ đồng hồ có mặt tại điểm này, chúng tôi ghi nhận có tới 5 trường hợp người dân dùng bè mảng di chuyển qua bên kia bờ và dọc lòng hồ. Do những chiếc bè mảng kết nối quá thô sơ, kích thước và tải trọng lại rất nhỏ nên chỉ chở được 2 người. Nhiều bè mảng, khi đưa vào sử dụng lâu, thân tre bị nứt, tách, nước ngấm vào thân nên càng nguy hiểm hơn. Việc di chuyển trên những chiếc bè mảng người ngồi trên phải thật cẩn thận trong việc lựa chọn vị trí để giữ thăng bằng cho bè, điều đáng lo ngại là người ngồi trên không có phao bơi và thiết bị cứu sinh.
Ông Lương Văn Lượng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tĩnh Bắc cho biết: Xã đã khuyến cáo, nghiêm cấm người dân không đi lại trên lòng hồ trong mùa mưa, lũ với bất cứ hình thức nào. Hiện nay, xã có khoảng 120 chiếc áo phao, 100 chiếc phao cứu sinh và đã phát cho 5 thôn có các hộ dân thường xuyên di chuyển trên lòng hồ. Tuy nhiên, do chủ quan và nhiều hộ dân có đất canh tác bên kia bờ hồ nên vẫn còn xảy ra tình trạng người dân đi lại trên lòng hồ bằng bè mảng chưa sử dụng áo phao.
Không chỉ riêng xã Tĩnh Bắc, hiện nay tại các xã: Tú Đoạn, Khuất Xá, Sàn Viên, nhiều người dân có đất canh tác, nương, rẫy, rừng của gia đình phía bên kia bờ hồ cũng thường xuyên sử dụng bè tre, thuyền máy tự chế để di chuyển qua khu vực lòng hồ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Ông Vi Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng, Phó trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Lộc Bình cho biết: Trước thực trạng người dân tại các xã trong khu vực lòng hồ chứa nước Bản Lải sử dụng thuyền, bè tự chế tạo đi lại nhiều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Thời gian tới, Ban ATGT huyện tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện ban hành các công văn, văn bản chỉ đạo ban ATGT các xã quản lý chặt chẽ các phương tiện tham gia hoạt động trên khu vực lòng hồ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi di chuyển trên khu vực lòng hồ bằng phương tiện bè mảng, thuyền vỏ sắt công suất nhỏ, nhằm tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền về các quy định đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy, các điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về người điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ, chuyên môn để đảm bảo an toàn.
Có thể thấy rằng, hiện nay, nhu cầu đi lại, hoạt động sản xuất và sử dụng các phương tiện bè mảng của người dân hai bên khu vực lòng hồ chưa nước Bản Lải ngày càng tăng. Để đảm bảo an toàn cho người dân nơi đây, các cơ quan, lực lượng chức năng huyện Lộc Bình cần có những biện pháp kiên quyết, phù hợp hơn nữa để quản lý, xử lý những vấn đề liên quan đến phương tiện giao thông đường thủy, không để những sự cố đáng tiếc xảy ra
Ý kiến ()