Cảnh báo gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, công tác điều trị cai nghiện và hoạt động phòng chống HIV/AIDS hiện nay vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng gia tăng người sử dụng ma túy tổng hợp.
Gần gây, người nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển từ sử dụng cần sa, heroin sang ma túy tổng hợp như ma túy đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên… Những loại này sẽ làm não bộ bị tổn thương nặng nề, gây loạn thần, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi và dễ phạm tội sau khi sử dụng.
Tuy nhiên hiện nay, chưa có thuốc điều trị dành cho đối tượng nghiện ma túy tổng hợp, nên các cơ quan liên quan chỉ tiến hành tư vấn tâm lý với người nghiện, để họ cai thuốc.
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng báo động là có sự gia tăng số bệnh nhân nghiện các chất ma túy đang điều trị Methadone sử dụng thêm ma túy tổng hợp ở các địa phương. Cá biệt, có địa bàn lên tới 25% bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân bị bắt đi cai nghiện bắt buộc gia tăng.
Nhiều năm qua với phương pháp cai nghiện bằng Methadone đang có những kết quả rất đáng ghi nhận. Số lượng các cơ sở cai nghiện bằng Methadone thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tăng từ 23 cơ sở (tại 13 tỉnh) lên 30 cơ sở (tại 17 tỉnh), số được điều trị tăng từ 2.721 người lên 3.314 người. Từ 100% bệnh nhân sử dụng heroin được điều trị bằng Methadone, sau 24 tháng, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 15,87%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng hơn 5 lần/ngày; 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ từ 2-3 lần/tháng.
Bệnh nhân cũng đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV. Trước điều trị có tới 87% bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, thì sau 6 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn sử dụng. Tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy đang tham gia điều trị hơn 24 tháng so với 21% trước điều trị.
Việc giảm tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm và tăng tỷ lệ sử dụng bao cao-su trong nhóm bệnh nhân tham gia chương trình đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ những người tiêm chích ma túy sang bạn tình của họ và cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, C, giang mai. Sau 24 tháng tham gia điều trị, chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số 1.000 bệnh nhân.
Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh cho biết thêm, chương trình Methadone cũng mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4% tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị. Nếu không tham gia điều trị nghiện bằng thuốc Methadone, một người bệnh tiêu tốn khoảng 230.000 đồng/ngày mua heroin (84 triệu đồng/năm), trong khi đó, chi phí điều trị trung bình chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/năm/người. Với số 52.231 bệnh nhân đang điều trị, đã tiết kiệm được khoảng 4.387 tỷ đồng/năm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()