Cảnh báo gia tăng số người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cảnh báo, số người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán đang có gia tăng, có những trường hợp đến khi được chẩn đoán thì đã xuất hiện các biến chứng.
Bệnh nhân bị biến chứng do mắc bệnh đái tháo đường, được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. |
Kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế cho thấy, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế. Cứ 10 bệnh nhân thì 6 người bị biến chứng do đái tháo đường.
Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045.
Căn bệnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người Việt Nam hơn khi dân số già đi, vì người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp hai lần so với những người ở độ tuổi thấp hơn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh thận – đái tháo đường có thể phòng ngừa mù loà và giảm các hậu quả của đái tháo đường đối với người bệnh, gia đình và xã hội.
Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ tuyến y tế cơ sở, nhằm tăng cường cung cấp thông tin hỗ trợ cho bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ tuyến dưới trong chẩn đoán điều trị hiệu quả bệnh không lây nhiễm này, Bộ Y tế đã xây dựng ứng dụng hành trình cho bệnh đái tháo đường.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, ứng dụng này được xây dựng dựa trên các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, các hướng dẫn liên quan, được Bộ Y tế phê duyệt như hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2, danh mục thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc… Ứng dụng không chỉ đưa ra chỉ dẫn về chẩn đoán khách quan mà còn đề xuất các lựa chọn điều trị theo hướng chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tại Việt Nam để bác sĩ quyết định lựa chọn.
Để phòng, chống đái tháo đường tại Việt Nam và hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân hãy có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình; chú ý và duy trì lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh khác; và đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
Đối với nhân viên y tế, nhiệm vụ là nâng cao nhận thức và kiến thức về bệnh này cho mọi người và nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân để tư vấn, điều trị và quản lý bệnh hiệu quả, sử dụng nguồn lực y tế khác nhau như các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, ứng dụng hành trình bệnh đái tháo đường… trong chẩn đoán và điều trị.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()