Cảnh báo đuối nước ở trẻ em trong dịp nghỉ hè
LSO- Những ngày hè, thời tiết nắng nóng, trẻ em thường rủ nhau ra nhiều nơi như ao, hồ, đập, sông, suối để tắm, bơi và chơi đùa. Tuy nhiên, do thiếu các kỹ năng, lại không lường hết được các mối nguy hiểm, nên các em rất dễ bị đuối nước.
Nhiều đứa trẻ vô tư tắm mà không biết rất nguy hiểm tại đập Nà Tâm,
xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn khi không có người lớn giám sát
Gần đây nhất, vào khoảng 15 giờ ngày 15/5/2019, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở sông Kỳ Cùng đoạn chảy qua thôn Nà Pinh, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, trong đó, 1 em không may bị đuối nước tử vong. Được biết, các em đều là học sinh của một trường THCS trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.
Bà Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tất cả học sinh trong nhóm đi chơi hôm đó đều biết bơi và thường xuyên đi bơi ở bể bơi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, môi trường bể bơi nhân tạo và sông suối tự nhiên có sự khác nhau rất lớn nên các em không lường hết được những nguy hiểm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Tại trường, nội dung phòng chống tai nạn đuối nước thường xuyên được tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt dưới cờ. Chúng tôi cũng tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh trong trường, nhưng tai nạn đuối nước lại thường xảy ra khi các em đi chơi ở sông nước. Chính vì vậy, rất cần có sự vào cuộc của gia đình trong quản lý học sinh.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tới 25 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Mùa hè là thời điểm xảy ra đuối nước nhiều nhất, bởi đây là thời gian các em được nghỉ học, được vui chơi thoả thích và thường các em rất thích đi tắm, bơi ở ao, hồ, sông suối. Nếu thiếu sự quản lý, theo dõi chặt chẽ của bố mẹ thì nguy cơ xảy ra đuối nước sẽ rất cao, nhất là đối với những trẻ sinh sống ở ven sông, suối… lại càng phải cẩn trọng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để phòng chống, hạn chế các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, thời gian tới, sở cũng phối hợp với UBND các huyện, các doanh nghiệp nơi có công trình xây dựng, quản lý tốt khu vực đang thi công, tiến hành rà soát những nơi thường xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em. Cụ thể như: làm rào chắn, lắp đặt hệ thống cảnh báo tại hố nước, ao, hồ, các khu vực nước sâu, khu vực vắng người qua lại trên địa bàn. Song song với đó tuyên truyền, vận động mọi gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, chủ động đưa trẻ đi học bơi, học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Để đề phòng đuối nước cho trẻ thì cách tốt nhất là dạy trẻ bơi và những kỹ năng phòng tránh hay cấp cứu khi có bạn bị đuối nước, gặp nguy hiểm. Cùng với đó, vấn đề quan trọng nhất để giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em là sự quản lý, quan tâm của mỗi gia đình. Anh Bùi Ngọc Tú, người dân phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có 2 cháu nhỏ đều dưới 15 tuổi, cứ mỗi dịp hè đến, tôi luôn nhắc và cảnh báo với các cháu rằng không được nghe theo bạn rủ đi tắm ở những nơi như sông, suối, hồ, đập… sẽ rất nguy hiểm. Đồng thời, trong mỗi dịp hè tôi đều đăng ký cho các cháu học các lớp năng khiếu để tạo sân chơi nhiều hơn. Tôi nghĩ nếu để ý các cháu sát sao sẽ tránh được tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, đặc biệt là đuối nước vì các vụ đuối nước thương tâm đều do các cháu trốn người lớn đi, khi sự việc xảy ra thì đã quá muộn.
Có thể thấy rằng, việc phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ trong dịp hè cần sự quan tâm của cả cộng đồng và cần được triển khai với sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở con trẻ về ý thức phòng, chống đuối nước. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Có như vậy mới hạn chế được những tai nạn do đuối nước gây ra.
HOÀNG CƯỜNG – TRANG VÂN
Ý kiến ()