"Canh bạc" mạo hiểm của Mỹ và đồng minh NATO
Sau 12 năm phát động cuộc chiến chống khủng bố không hẹn trước tại Áp-ga-ni-xtan, giờ đây Mỹ và các đồng minh NATO lại gấp rút thực hiện cuộc lui binh đầy toan tính khỏi chiến trường vẫn còn đẫm máu này. Trong khi nước chủ nhà chưa đủ mạnh để tự đảm đương nhiệm vụ an ninh đầy thử thách, thì việc rút khỏi chiến trường Áp-ga-ni-xtan quả là một "canh bạc" mạo hiểm của bên khơi mào chiến tranh.
Sau 12 năm phát động cuộc chiến chống khủng bố không hẹn trước tại Áp-ga-ni-xtan, giờ đây Mỹ và các đồng minh NATO lại gấp rút thực hiện cuộc lui binh đầy toan tính khỏi chiến trường vẫn còn đẫm máu này. Trong khi nước chủ nhà chưa đủ mạnh để tự đảm đương nhiệm vụ an ninh đầy thử thách, thì việc rút khỏi chiến trường Áp-ga-ni-xtan quả là một “canh bạc” mạo hiểm của bên khơi mào chiến tranh.
Trong cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và người đồng cấp Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai nhất trí ủng hộ chủ trương tiến hành đàm phán với phong trào Hồi giáo Ta-li-ban tại trụ sở lực lượng này ở Ðô-ha (Ca-ta). Hai tổng thống cũng nhất trí rằng, con đường chắc chắn nhất giúp chấm dứt bạo lực và bảo đảm sự ổn định ở Áp-ga-ni-xtan là một tiến trình hòa bình và hòa giải dân tộc do chính người Áp-ga-ni-xtan tiến hành.
Tại Áp-ga-ni-xtan, cuộc chuyển giao quyền lực giữa Mỹ và đồng minh NATO cho các lực lượng an ninh của nước sở tại đang diễn ra khá suôn sẻ. Ngày 19-6 vừa qua đánh dấu mốc quan trọng đối với đất nước Áp-ga-ni-xtan: Sau hơn một thập kỷ chiến tranh khốc liệt, lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan đã chính thức tiếp quản nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên toàn quốc từ tay Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy, đảm trách an ninh tại 312 quận trên toàn quốc, nơi có gần 30 triệu người sinh sống, chiếm khoảng 80% dân số. Theo kế hoạch, tới cuối năm nay, ISAF sẽ giảm một nửa trong số khoảng 100 nghìn binh sĩ từ 48 nước, trong đó có 66 nghìn quân Mỹ đang đồn trú tại Áp-ga-ni-xtan và đến cuối năm 2014, toàn bộ lực lượng chiến đấu sẽ rút khỏi quốc gia Nam Á này. Từ nay đến năm 2014, ISAF sẽ chuyển sang vai trò trợ giúp, bao gồm nhiệm vụ đào tạo, giám sát và hỗ trợ chiến đấu trong những tình huống khẩn cấp, chủ yếu là hình thức không kích và sơ tán. Sau thời điểm này, ISAF chỉ hỗ trợ lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan trong các chiến dịch quân sự khi được yêu cầu.
Không thể phủ nhận rằng, hơn 10 năm qua, từ chỗ không có lực lượng an ninh quốc gia, đến nay, Áp-ga-ni-xtan đã có một lực lượng quân đội và cảnh sát lên tới khoảng 340 nghìn người, được đào tạo cơ bản. Trái với sự hồ hởi đón nhận nhiệm vụ vinh quang của phần lớn người dân và lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan, không ít chính khách Mỹ và các chuyên gia quân sự “trong cuộc” lại nghi ngờ khả năng tự bảo đảm an ninh của nước sở tại. Tướng N.Ca-tơ, Phó Chỉ huy ISAF cho rằng, sau năm 2014, ISAF vẫn phải tiếp tục nâng cao năng lực cho phía Áp-ga-ni-xtan để bảo vệ những thành quả đã đạt được. Tình trạng bạo lực tại Áp-ga-ni-xtan vẫn diễn ra công khai, trắng trợn hằng ngày là một minh chứng cho nhận định nêu trên. Dư luận đặt dấu hỏi, tại sao ý tưởng để người Áp-ga-ni-xtan tự hòa giải và làm chủ tương lai đất nước không được hình thành ngay từ năm 2001, khi cuộc chiến manh nha? Tại sao vào thời điểm này, trong tình trạng Mỹ và NATO “đi cũng dở, ở không xong” tại Áp-ga-ni-xtan, Oa-sinh-tơn lại nỗ lực cổ xúy cho cuộc hòa đàm ở Áp-ga-ni-xtan, do chính người Áp-ga-ni-xtan chủ xướng và dẫn dắt? Nhiều lý do được đưa ra.
Thời hạn rút quân đang đến gần. Các cuộc thăm dò dư luận tại Áp-ga-ni-xtan, Mỹ và các nước NATO đều cho thấy, phần lớn người dân các nước này đều muốn “người Áp-ga-ni-xtan tự bảo vệ người Áp-ga-ni-xtan”. Người Áp-ga-ni-xtan muốn tự lo cho tương lai đất nước là lẽ đương nhiên. Còn tại Mỹ và NATO, cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan khiến họ vừa “hao người tốn của”, vừa chán ngán ê chề vì mục tiêu ban đầu đưa ra chưa biết đến bao giờ mới đạt được. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và suy thoái kinh tế tại Mỹ kéo dài càng làm tăng sức ép phải rút quân khỏi “bãi lầy Nam Á”. Chỉ tính riêng nước Mỹ, kể từ năm 2001 tới nay đã phải rút hầu bao gần 800 tỷ USD cho cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan, trong đó thời gian gần đây phải chi khoảng bảy tỷ USD/tháng. Mỹ cam kết cung cấp 2,3 tỷ USD mỗi năm cho Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 (chưa kể các khoản chi để nuôi một cơ số quân nhất định có thể lên tới vài nghìn người lưu lại Áp-ga-ni-xtan sau thời điểm nêu trên). Theo thống kê của hãng tin AP, tính đến ngày 25-6, đã có ít nhất 2.109 binh sĩ Mỹ chết tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan; hàng chục nghìn binh sĩ bị thương trở về nước, nhiều người trong số đó không có việc làm và bị hội chứng chiến tranh ám ảnh nặng nề.
Tổn thất lớn là vậy, nhưng cơ hội hòa bình cho Áp-ga-ni-xtan còn mờ mịt. Cuộc đàm phán bốn bên về tiến trình hòa bình Áp-ga-ni-xtan sắp tới, do Ca-ta và Mỹ đồng bảo trợ, vốn gặp nhiều trắc trở lại trở nên mong manh hơn khi thiếu sự tin cậy lẫn nhau. Chính quyền Ca-bun dọa rút khỏi bàn đàm phán nếu Oa-sinh-tơn “đi đêm” với Ta-li-ban, còn phe nổi dậy lại nêu điều kiện tiên quyết đòi các lực lượng nước ngoài phải rút khỏi Áp-ga-ni-xtan thì mới tiến hành đàm phán. Trong trường hợp các bên thu hẹp được bất đồng và nhất trí cùng ngồi vào bàn đàm phán thì cũng khó có thể chắc chắn họ sẽ đạt thành công như mong đợi.
Theo các nhà quan sát, công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Áp-ga-ni-xtan là một vấn đề lớn do lịch sử để lại, đòi hỏi khá nhiều thời gian và nỗ lực của các bên mới có thể hàn gắn được. Mâu thuẫn giữa Ta-li-ban thuộc cộng đồng người Pa-xtun, nhóm sắc tộc lớn nhất Áp-ga-ni-xtan, chiếm gần 40% dân số nước này với Liên minh phương Bắc cũng như các phe phái khác đến từ cộng đồng thiểu số Ta-gích (chiếm 23%) và U-dơ-bếch (chiếm 10%) dân số là thách thức lớn nhất cho công cuộc hòa giải. Thử thách đầu tiên mà các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan cần vượt qua, đó là ngăn chặn làn sóng tiến công trong chiến dịch mùa Xuân của Ta-li-ban hiện nay, tiếp đó là từng bước hóa giải những mâu thuẫn âm ỉ mà sâu sắc trong nội bộ Áp-ga-ni-xtan. Ðiều này báo hiệu những khó khăn chồng chất mà Ca-bun phải đối mặt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()