Căng thẳng vé tàu, xe dịp Tết
Năm nay, Tết Dương lịch và Âm lịch khá sát nhau, cùng với việc nhiều doanh nghiệp khan hiếm đơn hàng cuối năm, cho người lao động nghỉ sớm, nên nhu cầu mua vé tàu, xe về quê dịp Tết “nóng” lên khá sớm.
Tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay nội địa dịp Tết có xu hướng tăng nhanh. |
Tại các địa phương phía nam, những tháng cuối năm 2022, một số công ty bị “trắng” đơn hàng, công nhân buộc phải nghỉ Tết sớm. Nhiều lao động xa quê đã lên kế hoạch về nhà đón Tết, mua vé từ rất sớm, cho nên chỉ mới nửa đầu tháng 12/2022, vé dịp Tết của nhiều nhà xe đã được đặt hết.
Mua vé xe khách từ sớm
Anh Hồ Viết Minh (quê Quảng Trị) vào Bình Dương làm công nhân, đã đặt mua vé xe cho cả nhà về quê đón Tết từ cuối tháng 11. Anh chia sẻ: “Năm nay nghỉ Tết sớm, cả nhà ở lại cũng không biết làm gì. Bọn em về quê luôn để ra Tết kiếm việc làm thêm gần nhà, các anh em khác cùng công ty cũng đã về hết”.
Theo đại diện nhà xe Chín Nghĩa, hiếm năm nào lượng hành khách tăng cao và mua vé sớm như năm nay. Mới cuối tháng 11, hàng nghìn vé xe Tết tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi miền trung của nhà xe này đã được đặt mua hết. Số lượng khách đi tập trung đông sau ngày 20 tháng Chạp, cao nhất sau Tết ông Công, ông Táo. Cũng như mọi năm, giá vé dịp Tết tăng từ 40 đến 60% tùy ngày (dao động từ 700 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/vé).
Lãnh đạo hãng xe Phương Trang cũng dự báo, lượng khách đi lại dịp Tết năm nay tăng hơn 60% so năm trước. Từ đầu tháng 11/2022, công ty đã nhận giữ chỗ vé xe Tết khứ hồi qua tổng đài một số tuyến đi miền tây, miền trung và Tây Nguyên, đến nay đã đạt gần 10 nghìn hành khách đăng ký vé Tết.
Tại các địa phương phía nam, những tháng cuối năm 2022, một số công ty bị “trắng” đơn hàng, công nhân buộc phải nghỉ Tết sớm. Nhiều lao động xa quê đã lên kế hoạch về nhà đón Tết, mua vé từ rất sớm, cho nên chỉ mới nửa đầu tháng 12/2022, vé dịp Tết của nhiều nhà xe đã được đặt hết.
Phó Tổng Giám đốc bến xe Miền Ðông, Tạ Chương Chín nhận định, lượng hành khách về quê trong dịp Tết năm 2023 qua bến có thể tăng khoảng 50% so cùng kỳ, tập trung chủ yếu từ ngày 23 đến 29 tháng Chạp. Trong trường hợp khách quá đông, bến sẽ tăng cường thêm xe, bảo đảm không thiếu xe cho người dân về quê. Như mọi năm, trong dịp Tết, các doanh nghiệp vận tải trong bến sẽ tăng từ 40 đến 60% so ngày thường, tùy theo từng giai đoạn.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ðào Việt Long cho biết, thành phố đã ban hành kế hoạch vận tải hành khách dịp Tết và giao các đơn vị tập trung thực hiện, có kế hoạch bố trí xe dự phòng nhằm bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân. Cơ quan quản lý đã yêu cầu các nhà xe phải niêm yết giá cước trên xe theo đúng quy định, không tùy tiện tăng giá cước, phụ thu khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Các bến xe phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị vận tải kịp thời bán vé khi lượng khách tăng đột biến, không để hành khách phải xếp hàng chờ đợi lâu.
Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, Phạm Mạnh Hùng cho biết, tại bến xe Mỹ Ðình, lượng khách bình quân tăng khoảng 200% so ngày thường, ước đạt 12 nghìn lượt khách/ngày, ngày cao điểm tăng khoảng 300%, tập trung chủ yếu ở các tuyến đi Sơn La, Lào Cai, Ðiện Biên, Cao Bằng, Lai Châu,… Tổng số xe dự kiến cho ba bến xe (Mỹ Ðình, Gia Lâm, Giáp Bát) dịp Tết Nguyên đán gần 2.500 lượt xe/ngày. Công ty đã yêu cầu các đơn vị vận tải nếu tăng giá vé phải đăng ký trước, bán vé điện tử không được thu tiền cao hơn giá đăng ký.
Ðối với ngành đường sắt, nhu cầu vé Tết năm nay cũng tăng cao. Ðường sắt vẫn tiếp tục điều tiết tăng tàu, bổ sung vé để phục vụ. Vé các mác tàu xuất phát ngày cao điểm trước và sau Tết tại các cung chặng đông khách như Sài Gòn-Nha Trang, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Vinh,… gần như đã hết vé, chỉ còn một số ít vé ghế ngồi, ghế phụ. Vé tàu các chuyến đi cách Tết nhiều ngày còn khá nhiều nhưng lượng khách mua ít, đa số khách mua tập trung dịp cận Tết. Giá vé tàu dịp Tết chỉ tăng ở chiều từ nam ra bắc (trước Tết) và từ bắc vào nam (sau Tết) nhưng chiều rỗng lại giảm sâu với nhiều chính sách kích cầu, khuyến mãi, nhìn chung chỉ tăng khoảng 5%.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam, Ðặng Sỹ Mạnh cho hay, dự kiến ban đầu, ngành Ðường sắt cung ứng 356 chuyến, tương ứng hơn 176 nghìn chỗ trong dịp Tết, tăng 130 chuyến và 67 nghìn chỗ so Tết năm trước, thế nhưng chỉ sau một thời gian mở bán vé đã phải tăng cường nhiều chuyến tàu phục vụ nhu cầu người dân nhưng hiện cũng chỉ còn khoảng 40.000 vé. Mức phí đổi, trả vé tàu Tết tùy theo mác tàu, cung chặng khá rõ ràng. Cụ thể, trường hợp khách mua vé đi tàu từ ngày 13/1 đến 24/1 với đoàn tàu số chẵn, từ ngày 25/1 đến 31/1 với đoàn tàu số lẻ, sẽ áp dụng mức khấu trừ đổi, trả vé 30%.
Khan vé máy bay
Thời gian qua, trước nhu cầu mua vé tăng cao, các hãng hàng không đã liên tục tăng tải, bổ sung ghế cung ứng trên hầu hết các đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền bắc và miền trung nhưng lượng vé tung ra đến đâu đều được nhanh chóng bán hết, nhiều đường bay đã hết sạch vé vào các ngày sát Tết. Theo khảo sát, vé của Hãng Vietnam Airlines trong ngày 26 tháng Chạp (17/1) ở đường bay Thành phố Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa đã không còn chỗ trống. Ðường bay này của Hãng Vietjet cũng hết vé các ngày từ 26 đến 28 tháng Chạp (tức 17 đến 19/1).
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay nội địa dịp Tết đang có xu hướng tăng nhanh và nhiều đường bay đã đạt tỷ lệ đặt chỗ 100% vào các ngày sát Tết Nguyên đán. Giai đoạn trước Tết Nguyên đán, nhiều đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi phía bắc tỷ lệ đặt chỗ đã đạt gần như 100%. Giai đoạn sau Tết, từ mồng 5 đến 10 tháng Giêng, các đường bay chiều ngược lại cũng có tỷ lệ đặt vé rất cao hoặc đã hết vé. Ước tính trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, các hãng hàng không khai thác khoảng 950-990 chuyến/ngày trên các đường bay nội địa, tổng lượng ghế cung ứng tăng thêm gần 1,7 triệu ghế, tăng hơn 33% so lịch bay thường lệ mùa đông năm 2022.
Sau khi Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bổ sung trên cơ sở tham số điều phối slot được bổ sung tại sân bay Tân Sơn Nhất vào các khung giờ ngày và đêm, các hãng hàng không đã tăng đáng kể ghế cung ứng trên hầu hết các đường bay. Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cung ứng tổng cộng 15.767 chuyến, tăng hơn 4.000 chuyến, cung ứng thêm hơn 1,1 triệu ghế. Vietjet Air tăng 30% số chuyến bay, cung ứng hơn 12 nghìn chuyến, lượng ghế cung ứng hơn 2,6 triệu ghế, tăng hơn 600 nghìn ghế so lịch khai thác bình thường.
Tuy nhiên, việc tăng tải, bổ sung ghế của các hãng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp Tết vì tâm lý đi lại phục hồi sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh. Thêm vào đó, năm nay nhiều công ty cho nghỉ Tết sớm và kéo dài khiến lượng người về quê bằng máy bay tăng cao.
Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tô Tử Hà cho biết, dịp Tết Nguyên đán tới đây, dự kiến ngày cao điểm nhất sẽ có khoảng 580 lượt chuyến bay (400 chuyến bay quốc nội, 180 chuyến bay quốc tế) và 104 nghìn lượt hành khách (78 nghìn lượt khách nội địa, 26 nghìn lượt khách quốc tế). Nếu tính riêng vận chuyển nội địa so ngày cao điểm hè vừa qua, sản lượng chuyến bay dịp Tết chỉ bằng 80%, lượng khách chỉ bằng 83%.
Tính tổng thể cả quốc tế và nội địa, sản lượng tại Nội Bài chưa vượt quá đợt cao điểm hè năm 2022 (634 lượt chuyến bay, 106 nghìn lượt khách/ngày). Tuy vậy, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã chủ động tăng cường an ninh cấp độ 1 từ ngày 16/1 đến hết ngày 28/1; siết chặt trực điều hành 24/7 tại Trung tâm Ðiều phối khai thác (AOCC) nhằm giải quyết nhanh chóng và hiệu quả mọi vấn đề phát sinh; điều tiết giao thông tại sân đỗ ô-tô, tại các luồng phương tiện tiếp cận nhà ga để thông thoáng và thuận tiện cho hành khách.
Ðể phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân thuận lợi nhất, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch trong dịp Tết và mùa lễ hội Xuân, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành công điện yêu cầu Cục Ðường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải các tỉnh rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo tại các nút giao thông, khắc phục kịp thời các “điểm đen” tai nạn; chỉ đạo các trạm thu phí phân luồng giao thông hợp lý, nhanh chóng giải tỏa phương tiện, chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện nếu xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là tại các trục chính về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh,…
Bộ cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo giám sát việc thực hiện quy định về an ninh, an toàn hàng không và các dịch vụ tại sân bay. Các hãng xây dựng phương án vận tải hành khách tối ưu; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến trong dịp Tết Nguyên đán ■
Theo Nhandan
Ý kiến ()