Căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc về lãnh thổ
Theo Roi-tơ, ngày 11-8, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản C.Ghêm-ba cho biết, Tô-ki-ô đang cân nhắc việc đệ đơn lên Tòa án công lý quốc tế (ICJ) nhằm giải quyết hòa bình vấn đề chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Ta-kê-si-ma, còn Hàn Quốc gọi là Đốc-đô.Ông Ghêm-ba đã làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc M.Mư-tô vừa bị triệu về Tô-ki-ô, để tìm hiểu tình hình và xem xét các biện pháp ứng phó. Tô-ki-ô và Xơ-un đã quyết định hoãn cuộc gặp hằng năm giữa Bộ trưởng Tài chính hai nước do những căng thẳng leo thang sau khi Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc thăm quần đảo đang tranh chấp. Thủ tướng Nhật Bản Nô-đa đã chỉ trích chuyến thăm này và cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc khả năng rút khỏi thỏa thuận ềngoại giao con thoiể giữa lãnh đạo hai nước, mà theo kế hoạch Thủ tướng Nô-đa sẽ có chuyến thăm Hàn Quốc trong năm nay.* Trong một diễn biến khác, ngày 11-8, quân đội Hàn Quốc quyết định lùi cuộc tập trận giữa hải quân và cảnh sát...
Ông Ghêm-ba đã làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc M.Mư-tô vừa bị triệu về Tô-ki-ô, để tìm hiểu tình hình và xem xét các biện pháp ứng phó. Tô-ki-ô và Xơ-un đã quyết định hoãn cuộc gặp hằng năm giữa Bộ trưởng Tài chính hai nước do những căng thẳng leo thang sau khi Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc thăm quần đảo đang tranh chấp. Thủ tướng Nhật Bản Nô-đa đã chỉ trích chuyến thăm này và cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc khả năng rút khỏi thỏa thuận ềngoại giao con thoiể giữa lãnh đạo hai nước, mà theo kế hoạch Thủ tướng Nô-đa sẽ có chuyến thăm Hàn Quốc trong năm nay.
* Trong một diễn biến khác, ngày 11-8, quân đội Hàn Quốc quyết định lùi cuộc tập trận giữa hải quân và cảnh sát biển nước này tại vùng biển gần quần đảo đang tranh chấp sang tháng 9. Lý do trì hoãn này là để tập trung cho cuộc tập trận của Sở chỉ huy quân đội Mỹ – Hàn Quốc từ ngày 20-8. Chính phủ Nhật Bản chỉ trích các cuộc tập trận này và yêu cầu Hàn Quốc chấm dứt. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Oa-sinh-tơn giữ thái độ trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật đê điều ở Hải Phòng
Trên địa bàn TP Hải Phòng, tình trạng lấn chiếm bãi sông, vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão (PCLB), khai thác cát lòng sông, đe dọa sự an toàn của các công trình đê điều… đang diễn ra tràn lan và có chiều hướng gia tăng. Việc xử lý không nghiêm của chính quyền địa phương là nguyên nhân gây nên tình trạng nêu trên.
Theo khảo sát, thống kê của Chi cục Quản lý Đê điều và PCLB TP Hải Phòng, tính đến giữa năm 2012, có hơn ba nghìn trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, PCLB. Từ năm 2001 đến nay, toàn thành phố đã xử lý được hơn một nghìn trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt bão. Hiện còn tồn tại 1.661 trường hợp vi phạm gồm: xây dựng nhà xưởng, âu tàu, cầu tàu, bến thủy nội địa, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD), san lấp mặt bằng, khoang đắp đầm thủy sản… Nhưng điều đáng lưu tâm hơn cả là tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, PCLB qua các năm không hề giảm. Tính từ năm 2001 đến nay, toàn thành phố đã phát sinh mới 840 vụ vi phạm, trong số đó mới xử lý được 374 vụ…
Điển hình, tại đê tả sông Văn Úc, thuộc địa bàn xã Quang Trung và Chiến Thắng (huyện An Lão) có tới 31 doanh nghiệp, cá nhân lấn chiếm bãi sông trong hành lang bảo vệ đê. Riêng trên địa bàn xã Quang Trung có tới 17 trường hợp vi phạm lấn chiếm bãi sông làm bãi tập kết kinh doanh VLXD, than với khối lượng hàng chục nghìn m3. Gần nửa trong số các vi phạm đó xảy ra vào năm 2010 tới nay. Có doanh nghiệp không chỉ để VLXD, mà còn xây nhà, xây bờ kè lấn ra bãi sông, hành lang cống Cẩm Văn. 14 trường hợp vi phạm tại địa bàn xã Chiến Thắng lại chủ yếu là xây dựng nhà ở, trụ sở làm việc, xây chuồng trại chăn nuôi, tường rào sát chân đê…
Tại địa bàn huyện Thủy Nguyên, trên tuyến đê tả sông Cấm hiện có tới 27 trường hợp lấn chiếm xây dựng nhà xưởng sản xuất công nghiệp, âu tàu, triền đà phục vụ đóng tàu… ngay sát chân đê; trên tuyến đê hữu sông Đá Bạc có 12 tổ chức, cá nhân san lấp bãi sông lấn ra lòng sông, xây dựng nhà xưởng, âu tàu, bến neo đậu phương tiện vận tải thủy trên địa bàn xã Lưu Kỳ, Gia Minh… Tại các bãi bồi ven đê tả sông Lạch Tray trên địa bàn huyện An Dương có tới hơn trăm trường hợp lấn chiếm, san lấp, xây dựng nhà ở, bãi VLXD khối lượng lớn tại các xã An Đồng, An Hòa, Lê Lợi, Quốc Tuấn, Hồng Thái. Trên tuyến hữu sông Cấm thuộc địa bàn các xã Lê Thiện, Đại Bản, An Hồng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lấn chiếm hành lang đê để làm bãi tập kết, kinh doanh VLXD và xây dựng cơ sở đóng mới tàu, thuyền. Trên các tuyến đê sông Lạch Tray thuộc địa bàn quận Ngô Quyền, Dương Kinh, Lê Chân, Hải An, Kiến An… cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Cùng với tình trạng lấn chiếm bãi sông, hành lang bảo vệ đê là tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Văn Úc, Lạch Tray, Cấm, Đá Bạc… gia tăng theo nhu cầu san lấp mặt bằng các công trình lớn trên địa bàn ngày càng nhiều. Do lượng vật liệu lớn chất trên bãi sông, hoạt động tần suất cao của các phương tiện xe cộ, tàu, thuyền, sà lan vận chuyển, bơm hút cát gây sạt lở bờ sông, lòng sông bị thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của các công trình đê điều và việc tiêu, thoát lũ về mùa mưa bão.
Báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng tại kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố ngày 14-7 vừa qua cũng thừa nhận tình trạng vi phạm Luật Đê điều, xây dựng nhà xưởng, lập bến bãi trái phép tại khu vực các bãi sông sát chân đê diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân và có chiều hướng gia tăng chủ yếu do hiệu lực, hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao, vi phạm vẫn tiếp diễn.
Qua tìm hiểu, bên cạnh các khu dân cư, cơ sở sản xuất hình thành trong phạm vi bảo vệ đê từ trước khi có Pháp lệnh Đê điều, thì việc xử lý thiếu cương quyết, chưa kịp thời của chính quyền địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến sự vi phạm gia tăng. Nhiều trường hợp lực lượng quản lý đê đã báo cáo các vụ vi phạm nhiều lần với chính quyền địa phương nhưng không được xử lý, bởi chính các địa phương này cấp đất, giao đất, cho thuê đất, hợp đồng sử dụng bến bãi, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê, lòng sông thoát lũ… Điều đó cũng lý giải vì sao những vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB được cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, kiến nghị địa phương xử lý, nhưng đều bị “chìm xuồng” hoặc chỉ xử lý chiếu lệ, vi phạm vẫn hoàn vi phạm.
Trước tình hình mưa bão vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngoài việc gia cố vững chắc các công trình đê điều, PCLB, thì việc xử lý các vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB trên địa bàn Hải Phòng cần sớm được thực hiện đồng bộ. Theo đó, cần kiên quyết giải tỏa các công trình, bãi vật liệu trong phạm vi theo đúng quy định về hành lang bảo vệ đê; xây dựng đường hành lang chân đê để chống tái chiếm và tạo điều kiện thuận lợi về giao thông; lập quy hoạch bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD ven sông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, bảo đảm các yêu cầu về an toàn đê điều và hành lang thoát lũ… Nhưng điều quan trọng hơn là cần kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc giao đất, cho thuê đất trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi bồi ven sông, ven biển và rừng phòng hộ chắn sóng của các cấp chính quyền địa phương.
Theo Nhandan

Ý kiến ()