Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đe dọa thị trường lúa mỳ và nhôm
Giá nhôm đã tăng hơn 2% trên Sàn giao dịch kim loại London, dao động ở mức hơn 3.200 USD mỗi tấn; trong khi iá lúa mỳ đã tăng hơn 4% trong các phiên gần đây.
Trong bối cảnh mối quan hệ Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng và nguy cơ xung đột ngày càng cao, nhật báo Les Echos số ra gần đây cảnh báo giá lúa mỳ đã tăng hơn 4% trong các phiên gần đây của Sàn giao dịch hợp đồng tương lai Euronext ở Paris.
Trên Sàn giao dịch kim loại ở London, giá nhôm cũng tăng, gần chạm mức cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, Nga và Ukraine lại là những nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất về các sản phẩm này.
Thị trường hàng hóa từ vài ngày qua trở nên căng thẳng. Bên cạnh khí đốt và dầu mỏ, lúa mỳ, ngô, nhôm và nickel cũng là những tác nhân bị ảnh hưởng bởi xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine. Các nhà đầu tư lo ngại về khả năng sẽ có sự gián đoạn lớn trong nguồn cung nếu một cuộc chiến nổ ra.
Ngay từ bây giờ, ảnh hưởng của nguy cơ này đã được thể hiện. Trong phiên giao dịch hôm 21/2, thị trường nhôm đã có phản ứng tiêu cực trước mối đe dọa can thiệp quân sự của Nga.
Giá của kim loại này đã tăng hơn 2% trên Sàn giao dịch kim loại London, dao động ở mức hơn 3.200 USD mỗi tấn, và gần chạm mức cao nhất lịch sử của nó vào tháng 7/2008 là 3.317 USD/tấn.
Nga là nhà sản xuất nhôm lớn thứ ba thế giới và xuất khẩu của nước này có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt và trả đũa có thể xảy ra.
Việc giảm nguồn cung có thể dẫn đến tăng giá vật liệu nhôm, từ đó tác động lên toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế, chẳng hạn như xây dựng, bao bì và trên hết là lĩnh vực ôtô.
Các nguồn vật liệu khác cũng đang rơi vào tình trạng căng thẳng, ví dụ như nickel. Nga cũng là nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới về kim loại này, đặc biệt là để sản xuất pin cho xe điện. Và nhà sản xuất nickel lớn nhất trên thế giới hiện nay là công ty Norilsk Nickel của Nga.
Ngay cả trước khi căng thẳng hai nước gia tăng, giá nickel đã ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, sau khi tăng 20% kể từ giữa tháng 12/2021. Bất kỳ sự sụt giảm nào về khả năng sản xuất của Nga cũng sẽ ngay lập tức dẫn đến việc giá kim loại này tăng thêm.
Lo ngại về một cuộc xung đột xảy ra giữa Nga và Ukraine cũng đang ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp. Hai nước thực sự là một trong ba nhà xuất khẩu lúa mỳ chính và cùng nhau đại diện cho hơn 1/4 nguồn cung xuất khẩu của thế giới. Vụ thu hoạch vừa qua của Ukraine thậm chí còn đạt mức kỷ lục, hơn 32 triệu tấn.
Tại Euronext, giá lúa mỳ đã tăng 1,58% vào đầu tuần, sau khi tăng 2,77% vào cuối tuần trước. Từ tháng 1/2022, giá loại ngũ cốc này đã tăng mạnh do lo ngại tương tự, trước khi giảm trở lại sau khi tình hình lắng dịu.
Giá ngô cũng có thể bị ảnh hưởng. Ukraine hiện đứng thứ tư trên thế giới về xuất khẩu loại ngũ cốc vàng này, với 16% kim ngạch thương mại thế giới.
Đặc biệt, ngành vận tải và logistics sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Phần lớn hàng hóa thế giới được chuyên chở bằng tàu biển.
Nếu Ukraine và các cảng của nước này bị phong tỏa, người mua sẽ phải chuyển sang tìm kiếm con đường khác để đáp ứng nhu cầu chuyên chở của họ. Và Mỹ sẽ là lựa chọn thay thế trước tiên, bởi vì nước này có những kho bãi logistics lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc chuyển hướng này cũng sẽ gây ra hậu quả chậm trễ về thời gian giao hàng./.
Ý kiến ()