Từ khi giao quyền chủ động sản xuất kinh doanh, nhất là bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu, lãnh đạo Cảng Sài Gòn đã nhận thức được một hướng phát triển mới. Đó là từng bước đầu tư chiều sâu kết hợp với đầu tư mở rộng và chọn cho mình một mô hình sản xuất kinh doanh thích hợp.
Để không ngừng phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhờ sự giúp đỡ của ngành hàng hải, ban lãnh đạo cảng đã chủ động tìm nguồn vốn đầu tư bằng hình thức vay vốn của các công ty Nhật Bản, Pháp, Xin-ga-po, v.v. để từng bước đổi mới kỹ thuật, thay thế dần các thiết bị cũ, nâng cao năng lực sản xuất. Mặc dù tình hình khủng hoảng tài chính thế giới khiến cho lượng hàng hóa lưu thông biến động mạnh, đột ngột; sự cạnh tranh trong lĩnh vực khai thác dịch vụ cảng biển, dịch vụ hàng hải ngày càng nóng, phức tạp. Giao thông đường bộ ngoài cảng luôn bị ùn tắc… Tuy nhiên trong suốt giai đoạn từ 2005 đến nay, với sự định hướng sản xuất kinh doanh đúng hướng của Đảng bộ Cảng và sự điều hành của Ban Giám đốc từ cảng đến các đơn vị thành viên, Cảng Sài Gòn luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản, nhất là tốc độ phát triển bình quân hằng năm của các chỉ tiêu cơ bản đều vượt trội. Sản lượng năm 2009 lập kỷ lục mới là 14 triệu tấn hàng hóa thông qua, giúp cho việc làm và đời sống thu nhập của người lao động ổn định. Doanh thu bình quân năm (2000 – 2004) đạt 506 tỷ đồng, năm (2005 – 2009) đạt 782 tỷ đồng. Năm 2010, do ảnh hưởng của việc thi công đường hầm Thủ Thiêm nên Cảng Sài Gòn phải ngừng khai thác một số cầu cảng, bến phà và số lượng tàu cỡ lớn ra vào cảng cũng bị sút giảm hẳn; ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới cũng đã làm giảm lượng hàng công-ten-nơ xuất nhập khẩu… Vượt qua những khó khăn trên, cảng đã chủ động thay đổi chiến lược kết cấu nguồn hàng, mặt hàng, loại hàng và tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cấp quy trình điều hành, khai thác đối với các loại hàng, mặt hàng chiến lược như công-ten-nơ nội địa, kim khí, hàng rời đóng bao, nên đã bảo đảm hoàn thành được các chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao, giúp cho cảng ổn định việc làm và nâng cao mức thu nhập người lao động.
Phát huy những thành tựu đã đạt được năm 2010; năm 2011, Cảng Sài Gòn tiếp tục phát huy nội lực, vượt khó, tranh thủ mọi thời cơ, vận dụng hiệu quả mọi nguồn lực hỗ trợ phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra: tiếp tục triển khai cổ phần hóa đối với ba đơn vị hạch toán phụ thuộc, cảng chủ động đề nghị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải quyết định chuyển Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ, Công ty con theo đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 4199/VPCP-ĐMDN.
Chủ động tìm những đối tác chiến lược có năng lực tài chính và kinh nghiệm trong khai thác cảng biển và nguồn hàng ổn định để liên doanh liên kết. Đẩy mạnh việc liên doanh giữa Cảng Sài Gòn với Tập đoàn Cảng biển PSA của Xin-ga-po và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam xây dựng cảng tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đã khai thác giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư là 240 triệu USD từ tháng 7-2009. Tổng diện tích toàn cảng sau hai giai đoạn bằng 54 ha, khả năng tiếp nhận tàu 80.000 DWT; năng lực xếp dỡ sau khi hoàn thành giai đoạn hai bằng 1.500.000 TEU/năm.
Liên doanh giữa Cảng Sài Gòn với Tập đoàn Maersk A/S của Đan Mạch và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, xây dựng cảng công-ten-nơ chuyên dụng tại Cái Mép. Tổng mức đầu tư 260 triệu USD. Quy mô dự án là hai bến với tổng chiều dài 600 m cầu tàu, khả năng tiếp nhận tàu 80.000 DWT, diện tích toàn cảng 48 ha, năng lực xếp dỡ 1.050.000 TEU/năm. Dự kiến sẽ khai thác quý III năm 2011.
Liên doanh giữa Cảng Sài Gòn với Công ty SSA của Hoa Kỳ và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, xây dựng cảng công-ten-nơ chuyên dụng tại Cái Mép. Tổng mức đầu tư là 280 triệu USD. Quy mô xây dựng hai bến với tổng chiều dài 600 m cầu tàu, khả năng tiếp nhận tàu 80.000 DWT, diện tích toàn cảng 60,5 ha, năng lực xếp dỡ 1.100.000 TEU/năm. Dự kiến sẽ khai thác vào quý II năm 2011.
Liên doanh giữa Cảng Sài Gòn với Công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Đường sông Miền Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Đây là cảng tổng hợp, đã được khởi công xây dựng từ 16-5-2009. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 170 triệu USD với diện tích 40 ha, 800 m cầu tàu, tải trọng 50.000 DWT, khả năng thông qua 8,7 triệu tấn hàng hóa (trong đó có 500.000 TEU công-ten-nơ) tại khu công nghiệp đô thị Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện đã hoàn thành 200 m cầu cảng đầu tiên, dự kiến sẽ đưa 600 m cầu cảng khai thác vào quý II – 2011. Giai đoạn 2 có diện tích 40 ha, 1.000 m cầu cảng với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.
Cảng Sài Gòn sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của công ty. Triển khai hợp tác với Tập đoàn PSA Marine để khai thác lai dắt tàu biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hợp tác với Korea Express khai thác dịch vụ xếp dỡ, logistic. Thực hiện chuyển đổi công năng khu Nhà Rồng Khánh Hội thành bến tàu khác, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, khách sạn… và một số lĩnh vực khác.
Ý kiến ()