Canada nêu điều kiện trong đàm phán NAFTA
Canada cảnh báo sẽ rút khỏi vòng đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico, nếu Washington tìm cách loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp quan trọng trong thỏa thuận thương mại này.
Ngày 14/8, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (Cri-xti-a Phri-len) tuyên bố Ottawa sẽ giữ nguyên các điều kiện trong NAFTA mà nước này coi là quan trọng với lợi ích quốc gia, trong đó có tiến trình đảm bảo rằng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chỉ được áp dụng công bằng khi có lý do xác đáng.
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Chương 19 của NAFTA cho phép Canada, Mexico khiếu nại về thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá do Mỹ áp đặt thông qua các tòa án độc lập thay vì xem xét vấn đề này tại các tòa án Mỹ. Washington muốn lại bỏ Chương 19 này. Tuy nhiên, bà Freeland cảnh báo Canada từng rút khỏi đàm phán về vấn đề này vào năm 1987, khi phía Mỹ từ chối xem xét lại thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp trong cuộc đàm phán về hiệp định thương mại song phương. Bà Freeland nhấn mạnh Chính phủ Canada sẽ rất kiên quyết về vấn đề này và chỉ có hệ thống giải quyết tranh chấp hiệu quả mới tạo nên các đối tác thương mại tốt.
Theo Ngoại trưởng Freeland, nhằm đạt được một thỏa thuận tốt, các nhà đàm phán Canada hy vọng sẽ giữ được ngoại lệ trong NAFTA nhằm bảo vệ hệ thống quản lý-cung ứng của Canada, trong đó Ottawa sẽ áp đặt thuế cao nhằm hạn chế nhập khẩu sữa, phô mai, trứng, gia cầm mà Mỹ cho là mang tính bảo hộ và thiên vị các nông dân Canada. Bà Freeland nêu rõ xuất khẩu các sản phẩm bơ sữa của Mỹ sang Canada còn gấp 5 lần so với nhập khẩu từ nước này, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington còn trợ cấp cho ngành công nghiệp này.
Bà khẳng định Canada đang hướng tới hiện đại hóa thỏa thuận NAFTA và khiến nó trở thành thỏa thuận thương mại công bằng và tiến bộ hơn thông qua việc áp dụng điều khoản bảo vệ người lao động, bổ sung điều khoản về môi trường để đảm bảo các nước thành viên không thụt lùi trong công tác bảo vệ môi trường nhằm thu hút đầu tư, bổ sung các chương đề cập đến các quyền về giới tính và quyền của người bản xứ. Ngoài ra, Canada còn muốn tạo điều kiện cho việc di chuyển qua biên giới của các chuyên gia thông qua việc mở rộng Chương 16 của NAFTA về việc nhập cảnh tạm thời của các doanh nhân.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả hiệp định thương mại này là “thảm họa” và cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. Hồi tháng 4 vừa qua, các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch đàm phán lại các điều khoản trong hiệp định này. NAFTA đã trở thành nền tảng trong mọi chính sách kinh tế của Mexico. Tuy nhiên, giới chức nước này tuyên bố có thể rời khỏi NAFTA nếu không đạt được lợi ích trong quá trình tái đàm phán./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()