Canada công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chính phủ Canada vừa mới công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với khoản đầu tư 2,3 tỷ CAD (1,7 tỷ USD) trong 5 năm tới. Chiến lược cho thấy tầm quan trọng của khu vực này trong tiến trình định hình tương lai của quốc gia Bắc Mỹ.
Theo AFP, ngày 27-11, Chính phủ Canada đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được chờ đợi từ lâu. Phát biểu tại cuộc họp báo công bố chiến lược ở thành phố Vancouver, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly nhấn mạnh: “Tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là tương lai của chúng tôi và chúng tôi có vai trò trong việc định hình nó. Để làm được như vậy, chúng tôi cần phải là một đối tác thực sự đáng tin cậy”. Bà Joly cho biết, chiến lược gửi một thông điệp rõ ràng tới khu vực rằng “Canada đang ở đây và có thể tin tưởng vào chúng tôi”.
Bộ trưởng Ngoại giao Melanie Joly (bên trái) và Bộ trưởng An toàn Công cộng Marco Mendicino tại cuộc họp báo công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada. Ảnh: The Canadian Press |
Nội dung chiến lược được nêu chi tiết trong tập tài liệu dài 26 trang. Theo trang web canada.ca của Chính phủ Canada, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xây dựng với 5 mục tiêu liên kết với nhau. Thứ nhất là thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và an ninh. Cụ thể, Canada sẽ đầu tư nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, củng cố năng lực tình báo và an ninh mạng để thúc đẩy an ninh trong khu vực và bảo đảm sự an toàn của người dân Canada. Thứ hai là mở rộng thương mại, đầu tư và sự phục hồi của chuỗi cung ứng. Canada sẽ nắm bắt các cơ hội kinh tế bằng cách tăng cường và đa dạng hóa các quan hệ đối tác trong khu vực, đồng thời xây dựng nền kinh tế nội địa mạnh mẽ và an toàn hơn. Canada cũng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bảo đảm đầu tư hiệu quả, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh. Thứ ba là đầu tư và kết nối người dân. Canada sẽ mở rộng hợp tác giáo dục, tăng cường năng lực xử lý thị thực, khuyến khích các chuyên gia nước này tham gia nhiều hơn vào những vấn đề khu vực. Canada cũng sẽ tăng cường hỗ trợ quốc tế về nữ quyền, tiếp tục tham gia bảo vệ quyền con người trong khu vực. Thứ tư là xây dựng tương lai xanh và bền vững. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Đây cũng là nơi nhiều nền kinh tế đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, gây tác động đáng kể đến sự bền vững của môi trường. Do đó, Canada sẽ hỗ trợ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững và phát thải ít hơn. Canada sẽ chia sẻ kiến thức về công nghệ sạch, quản lý đại dương, chuyển đổi năng lượng và tài chính khí hậu. Thứ năm là Canada hướng tới mục tiêu trở thành đối tác tích cực và gắn kết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Canada sẽ mở rộng sự hiện diện và tăng cường sức ảnh hưởng, làm sâu sắc và đa dạng hóa quan hệ đối tác ở khu vực. Qua đó, Canada sẽ bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, hỗ trợ sức khỏe, an ninh và thịnh vượng trong tương lai của người dân một cách hiệu quả hơn.
Nhìn chung, chiến lược đã đưa ra một lộ trình toàn diện để tăng cường sự tham gia của Canada ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong thập kỷ tới, cũng như thúc đẩy sự đóng góp của nước này cho hòa bình và an ninh khu vực. Hãng tin Reuters đánh giá, chiến lược mới sẽ đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia và việc thực hiện mục tiêu khí hậu cũng như mục tiêu kinh tế của Ottawa.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực bao gồm 40 quốc gia với tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Chính phủ Canada đã nhận thấy khu vực này đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong tương lai. Mọi vấn đề quan trọng đối với người dân Canada bao gồm an ninh quốc gia, thịnh vượng kinh tế, tôn trọng luật pháp quốc tế và nhân quyền, các giá trị dân chủ, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sẽ được định hình bởi mối quan hệ mà Canada xây dựng với các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giới quan sát nhận định, với việc công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực, đồng thời thể hiện mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.
Ý kiến ()