Cần ý thức của người dân
LSO-Năm 2016, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là tiếp tục sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Thực hiện chủ trương đó, UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, không ngừng nâng cao ý thức của người dân về sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong dịp tết Nguyên đán.
Kiểm đếm tiền tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn |
Trong 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước và các sở, ngành liên quan đã tích cực tuyên truyền về chủ trương hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng của người dân. Từ đó, một số người dân đã có chuyển biến trong nhận thức, có ý thức trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ. Bà Hoàng Thị Kim, người dân ở đường Bà Triệu, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Từ sau khi được tuyên truyền, tôi đi lễ đền, chùa không còn đặt tiền lẻ ở tất cả các ban thờ nữa mà chỉ đặt lễ ở một ban thờ chính. Đi lễ là để cầu may, cầu tâm bình an, vì vậy, thay vì rải tiền lẻ như vậy, tôi ghi công đức cho nhà đền, nhà chùa…”
Những chuyển biến về nhận thức sử dụng tiền lẻ như vậy đã góp phần nâng cao nếp sống văn minh trong hoạt động văn hoá, tín ngưỡng và tiết kiệm chi phí cho Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều người dân có thói quen sử dụng tiền chưa hợp lý. Việc đặt tiền lẻ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng… tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội vẫn còn phổ biến. Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán còn có hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch.
Để người dân sử dụng tiền lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan tích cực tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ. Theo đó, các huyện, sở, ngành chỉ đạo thực hiện phối hợp trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân có nhận thức về việc sử dụng đồng tiền hợp lý, đúng mục đích và có văn hoá. Đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch tại các điểm đền, chùa, lễ hội, nghiêm cấm để dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động trong khuôn viên di tích, lễ hội…
Bà Trương Thu Hoà, Trưởng Phòng Nghiên cứu Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt đối với hành vi kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch vi phạm các quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, ngày 17/10/2014 của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi nhánh chỉ đạo, giám sát các ngân hàng thương mại nghiêm túc thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, nghiêm cấm cán bộ, công chức lợi dụng, tiếp tay, cung cấp tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả tiền đã qua lưu thông. Tiếp tục đáp ứng nhu cầu về tiền mệnh giá nhỏ, nhưng không chi các loại tiền mới in từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, nếu còn tồn kho, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Công tác thanh toán tiền mặt phải đảm bảo đủ cơ cấu mệnh giá, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và các sở, ngành đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra đối với các hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch. Những vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ giá trị và hình ảnh đẹp của đồng tiền ViệtNam.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()