Cần xử lý tình trạng phát hành SIM qua kênh đại lý
– Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ 0 giờ ngày 10/9/2023, các doanh nghiệp viễn thông đã dừng phát hành SIM thuê bao qua kênh đại lý, điểm bán ủy quyền cung cấp dịch vụ viễn thông (CCDVVT). Điều này nhằm kiểm soát, hạn chế phát sinh SIM không chính chủ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện vẫn còn một số điểm bán uỷ quyền và cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa chấp hành quy định trên.
Nhân viên Viettel Lạng Sơn chi nhánh huyện Lộc Bình hướng dẫn khách hàng kích hoạt sim chính chủ
Theo thông tin của Bộ TT&TT, qua thống kê từ các nhà mạng, trong số SIM được bán ra thị trường, có tới 80% SIM phát hành qua các điểm ủy quyền của nhà mạng. Bên cạnh đó, có 10% SIM được bán trực tiếp từ nhà mạng và 10% qua kênh chuỗi (chủ yếu là các hệ thống bán lẻ điện thoại).
Đối với địa bàn tỉnh, hiện có khoảng 930.000 thuê bao di động đang hoạt động của 4 nhà mạng (Vinaphone, Viettel, Mobifone và Vietnamobile), ngoài ra còn một số lượng ít thuê bao di động đang hoạt động của các nhà mạng khác. Bên cạnh đó, trước thời điểm thực hiện quy định của Bộ TT&TT, toàn tỉnh có trên 400 điểm bán uỷ quyền CCDVVT. Trong đó, số lượng thuê bao chủ yếu là của nhà mạng Viettel (hơn 70%) và Vinaphone (hơn 20%).
Để đảm bảo việc dừng đăng ký thông tin thuê bao qua các điểm uỷ quyền CCDVVT được thực hiện đúng quy định, trước thời điểm 10/9/2023, Sở TT&TT đã đề nghị các nhà mạng trên địa bàn kịp thời tuyên truyền đến các điểm uỷ quyền CCDVVT và một số cửa hàng kinh doanh SIM và thẻ cào trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị các nhà mạng triển khai giải pháp để đảm bảo các điểm uỷ quyền không bán SIM cho khách hàng.
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 33, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/2/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu rõ, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với các hành vi: bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao. Đây là mức phạt với tổ chức, nếu cá nhân vi phạm sẽ bị phạt bằng 1/2 mức trên. |
Trên cơ sở đó, các nhà mạng đã dừng cấp quyền tài khoản sử dụng để đăng ký, kích hoạt SIM thuê bao đối với toàn bộ 100% điểm uỷ quyền trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, việc phân phối thuê bao di động được thực hiện thông qua chuỗi bán lẻ hoặc kênh phân phối của chính doanh nghiệp nhà mạng. Ông Bùi Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Lạng Sơn cho biết: Đơn vị đã dừng cấp quyền tại toàn bộ 80 điểm uỷ quyền của VNPT Lạng Sơn. Thay vì trực tiếp bán SIM thuê bao cho khách hàng, hiện các điểm này chỉ có thể tiếp nhận thông tin và kết nối khách hàng có nhu cầu với nhà mạng để nhà mạng hỗ trợ, phân phối SIM cho khách hàng.
Mặc dù vậy, qua ghi nhận thực tế của chúng tôi, dù các nhà mạng và cơ quan quản lý đã vào cuộc ráo riết, tích cực, nhưng hiện nay vẫn còn một số ít điểm uỷ quyền CCDVVT, cửa hàng kinh doanh điện thoại bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn cho khách hàng.
Để tìm hiểu rõ về tình trạng trên, ngày 24/10/2023, chúng tôi đã đến một số cửa hàng (có biển quảng cáo là điểm uỷ quyền CCDVVT của các nhà mạng) tại đường Lê Lai, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Vào vai khách hàng có nhu cầu nhưng quên mang căn cước công dân, chúng tôi dễ dàng tiếp cận 2 điểm bán ủy quyền tại khu vực trên và mua thành công SIM rác, SIM kích hoạt sẵn của một số nhà mạng như Viettel, Vinaphone.
Sau khi chúng tôi chọn mua 1 chiếc SIM 4G của Vinaphone với giá 250.000 đồng tại một điểm bán ủy quyền ngay khu vực đường Lê Lai giao với đường Trần Đăng Ninh, chủ cửa hàng sử dụng khay SIM gắn với điện thoại feature phone (điện thoại phổ thông không sử dụng hệ điều hành) để kích hoạt thẻ SIM. Các thao tác trên được chủ cửa hàng thực hiện rất thuần thục. Chỉ mất khoảng 2 – 3 phút sau, khi chúng tôi nhận SIM và lắp thử vào máy điện thoại thông minh của mình, cột sóng ngay lập tức hiện trên màn hình, điện thoại gắn SIM có thể nghe gọi bình thường và có thể truy cập website, ứng dụng sử dụng 4G mà không cần đợi thêm.
Tương tự, qua khảo sát thực tế vào ngày 30/10 với một số điểm bán, cửa hàng tại khu vực như: đường Phai Vệ, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn; thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, chúng tôi cũng có thể mua được SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng.
Tại các điểm bán được chúng tôi tiếp cận, khi được khách hỏi mua, các chủ điểm bán lập tức “quảng cáo” về các loại SIM data 4G với nhiều mức giá giao động từ 100.000 đồng/SIM cho đến 1 triệu đồng/SIM tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như: nhà mạng; đầu số; các ưu đãi của thuê bao. Theo lời của chủ điểm bán, các SIM 4G trên có dung lượng data rất đa dạng (theo tháng, theo ngày) và có thời hạn sử dụng từ vài tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, nhiều loại SIM còn được ưu đãi, miễn phí data khi truy cập một số ứng dụng thông dụng như Youtube, Tiktok…
Theo ông Bùi Đình Khoa, Giám đốc Viettel Lạng Sơn, hiện nay Viettel Lạng Sơn có trên 300 điểm uỷ quyền CCDVVT được phép bán SIM. Để đảm bảo quy định không phát hành SIM qua đại lý, thời gian qua đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, yêu cầu các điểm CCDVVT không bán SIM kích hoạt sẵn cho khách hàng. Nhờ đó, 100% các SIM kích hoạt mới trên địa bàn tỉnh đều có thông tin thuê bao đầy đủ. Với các SIM không đủ điều kiện, thiếu thông tin, Viettel Lạng Sơn đã thực hiện khoá quyền sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có thể còn các SIM rác, SIM kích hoạt sẵn. Điều này chủ yếu là do một số chủ điểm uỷ quyền CCDVVT có ý thức chấp hành chưa tốt, đặc biệt là một số đầu nậu vẫn nhập các SIM kích hoạt sẵn trôi nổi từ các tỉnh khác về để bán cho khách hàng. Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các kế hoạch kiểm soát, giám sát, nội bộ để đảm bảo các điểm cung cấp dịch vụ chấp hành nghiêm túc quy định.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Duyên, Chánh Thanh tra Sở TT&TT cho biết: Hiện nay, việc quản lý các điểm uỷ quyền CCDVVT gặp nhiều khó khăn do chủ các điểm uỷ quyền chủ yếu nhập SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao từ các tỉnh khác để bán, lưu thông trên địa bàn chứ không nhập từ các nhà mạng trên địa bàn tỉnh. Thực tế là hầu hết các SIM được kích hoạt sẵn đều được đấu nối bởi các tài khoản tại các điểm CCDVVT của các tỉnh khác. Do vậy, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông đối với các loại SIM thuê bao trên thị trường. Bên cạnh đó, nếu có kiến nghị, phản ánh vi phạm, Thanh tra Sở TT&TT tham mưu lãnh đạo sở trực tiếp làm việc với chủ điểm CCDVVT và nhà mạng liên quan để làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định. Trong trường hợp không thuộc phạm vi thẩm quyền xử lý, đơn vị sẽ tham mưu lãnh đạo Sở TT&TT chuyển hồ sơ đến Bộ TT&TT hoặc tỉnh, thành có tài khoản kích hoạt để kiểm tra, xử lý. Đồng thời, đơn vị sẽ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục có các giải pháp đảm bảo các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông tuân thủ quy định về đăng ký, kích hoạt và sử dụng thông tin thuê bao và xây dựng, tổ chức thực hiện quy trình nội bộ chặt chẽ để thường xuyên rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định tại các điểm cung cấp dịch vụ.
Việc dừng phát hành SIM qua kênh đại lý góp phần giảm đáng kể phát sinh SIM rác, cuộc gọi rác, lừa đảo từ các SIM không chính chủ. Do đó, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp để siết chặt kiểm soát khâu lưu thông mặt hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các nhà mạng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra đối với các điểm cung cấp dịch vụ trên địa bàn.
Ý kiến ()