Cần xử lý nghiêm việc bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, nhất là hoạt động mua bán trực tuyến thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, một số cơ sở, đối tượng ở Lạng Sơn đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…
Đội Quản lý thị trường số 4 (Lạng Sơn) kiểm tra hộ kinh doanh vi phạm qua kinh doanh thương mại điện tử. (Ảnh MINH PHƯƠNG) |
Lợi dụng thương mại điện tử để gian lận
Thời gian qua, tình trạng buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… thông qua hoạt động thương mại điện tử diễn biến rất phức tạp, số vụ vi phạm ngày càng tăng. Để phát hiện và xử lý những cơ sở vi phạm, Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường trực thuộc bám sát địa bàn, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm rõ từng cơ sở kinh doanh thương mại điện tử.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6 tiến hành kiểm tra đột xuất tại địa chỉ kinh doanh số 27 đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn quảng cáo và chào bán sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra thực tế đã phát hiện tài khoản Zalo “Giày dép nam” trùng khớp với địa chỉ đăng quảng cáo do bà Lê Thị Cẩm Tú đứng tên chủ hộ kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam, gồm 53 đơn vị sản phẩm là giày, dép mang các nhãn hiệu Adidas, Gucci, Louis Vuitton. Qua xác minh và phối hợp với các đơn vị đại diện chủ sở hữu quyền giám định hàng hóa nêu trên, xác định toàn bộ số hàng hóa nêu trên là giả mạo nhãn hiệu. Đội Quản lý thị trường số 6 đã lập hồ sơ vụ việc, xử phạt hộ kinh doanh Lê Thị Cẩm Tú 10 triệu đồng và buộc tiêu hủy 53 đơn vị sản phẩm vi phạm có tổng trị giá gần 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Đội trưởng Quản lý thị trường số 6 cho biết: Các cơ sở vi phạm đều sử dụng tài khoản mạng xã hội, thực hiện livestream (phát trực tiếp), giới thiệu, bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng các sản phẩm như: giày, dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm… giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam (nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, D&G, Adidas, Boss, Chanel…). Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và xử lý 145 vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tăng 21 vụ so với cùng kỳ năm 2021, trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,4 tỷ đồng; tịch thu hàng nghìn đơn vị sản phẩm quần áo, giày, dép, mỹ phẩm, thực phẩm… không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Tăng cường quản lý chống gian lận thương mại
Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…, các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với Quản lý thị trường rà soát và kiểm tra thường xuyên các hoạt động kinh doanh điện tử qua mạng xã hội trên địa bàn Lạng Sơn.
Theo Đại tá Thái Hồng Công, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, lợi dụng sự phát triển của công nghệ cao, nhiều người dùng các trang mạng xã hội để hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Thực tế đó đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường bởi hầu hết các cơ sở kinh doanh thông qua các mạng xã hội, chỉ cần tạo lập địa chỉ mạng xã hội là có thể bán hàng mà không cần thuê địa điểm cố định và có những trường hợp không đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, do kinh doanh dễ dàng, doanh thu mang lại cao nên cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vi phạm về bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng…
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều mô hình thương mại điện tử mới xuất hiện, các cá nhân, hộ kinh doanh có thể tạo lập gian hàng trực tuyến một cách đơn giản thông qua chứng minh nhân dân, căn cước công dân và số điện thoại di động. Từ đó, nhiều đối tượng tận dụng “kẽ hở” trên các sàn thương mại điện tử để khai báo không chính xác về người bán, nguồn gốc mặt hàng và địa chỉ kho. Thậm chí, các đối tượng còn lợi dụng chính sách thương mại điện tử xuyên biên giới giữa các quốc gia để đưa hàng cấm, hàng nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. “Thời gian tới, Công an tỉnh cùng các ban, ngành liên quan sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật và chế tài xử phạt trong lĩnh vực thương mại điện tử; đồng thời, cập nhật các xu hướng nền tảng công nghệ mới cho công chức nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử”, Đại tá Thái Hồng Công nhấn mạnh.
Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân, Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc cho biết: Biện pháp đầu tiên mà cơ quan quản lý thị trường tiến hành là chủ động phối hợp với phòng chuyên môn của Công an tỉnh rà soát, phân loại danh sách các trang web thương mại điện tử, những địa chỉ mạng xã hội của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trực tuyến trên địa bàn tỉnh, từ đó sử dụng biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án điều tra, ngăn chặn hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử để theo dõi tình hình, thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Cùng với đó, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, giao nhận hàng hóa…); tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;…
Bên cạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các đội phụ trách địa bàn các huyện, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Từ đó, kịp thời thông báo về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, góp phần xử lý, ngăn chặn hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân.
Trong 10 tháng qua, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện hơn 62 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, đã tiến hành kiểm tra 708.797 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 58.492 tỷ đồng; trong đó kiến nghị thu hồi 12.066 tỷ đồng (đã thu 9.196 tỷ đồng); kiến nghị xử lý tài chính khác 42.577 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3.848 tỷ đồng.
(Nguồn: Bộ Tài chính)
Ý kiến ()