Cần xử lý dứt điểm vi phạm hành lang đường sắt
LSO- Luật Đường sắt nghiêm cấm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh tình trạng này đã và đang diễn ra phổ biến.
Theo Nghị định 56/2018/NĐ – CP về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt tốc độ cao là 7,5 m; đối với đường sắt đô thị là 5,4 m; đường sắt còn lại là 5,6 m. Nghị định cũng nêu rõ, chiều rộng hành lang ATGT đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra được xác định là 5 m đối với đường sắt tốc độ cao, trong khu vực đô thị; 15 m đối khu vực ngoài đô thị.
Quy định là vậy, nhưng trên địa bàn tỉnh, tình trạng vi phạm hàng lang an toàn đường sắt, phạm vi bảo vệ đường sắt diễn ra phổ biến. Cụ thể như tại khu vực khối 10, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, hàng chục hộ dân xây dựng công trình phụ như bếp, nhà vệ sinh, chuồng chăn nuôi trong trong hành lang đường sắt. Cá biệt, nhiều hộ còn xây dựng nhà ở cao tầng, cửa chính quay ra đường sắt với khoảng cách chỉ khoảng 4,5 m. Chị Nguyễn Thị Liên (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Nhà tôi cách đường sắt hơn 20 m mà vẫn chưa cảm thấy yên tâm. Nhiều hộ xây sát đường sắt như vậy thì nguy cơ mất an toàn rất cao.
Ông Trần Trọng Đoàn, Đội trưởng Đội Đường sắt số 3, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Lạng cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh, tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt và phạm vi đường sắt diễn ra phổ biến, trong đó, tập trung chủ yếu tại khu vực thành phố Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Ở khu vực nông thôn, vi phạm chủ yếu là người dân trồng cây, hoa màu trong hành an toàn đường sắt, còn khu vực nội thành, nội thị thì người dân xây dựng các công trình. Chỉ tính riêng khu vực thành phố Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc đã có đến 37 điểm vi phạm hành lang đường sắt, có những điểm kéo dài đến 500 m với hàng chục công trình.
Nhà ở lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về an toàn chạy tàu, đảm bảm hành lang an toàn đường sắt được Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh và các đơn vị quản lý đường sắt thường xuyên triển khai. Trong đó, mỗi tuần 1 – 2 lần các đơn vị lồng ghép tuần đường với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ dân xây dựng công trình, trồng cây trong hành lang an toàn đường sắt chủ động phá dỡ. Tuy nhiên, nhận thức của người dân còn hạn chế nên họ chưa chấp hành.
Ông Nguyễn Văn Hà, Cung trưởng Cung Đường sắt Lạng Sơn cho biết: Hầu hết những điểm vi phạm đều từ lịch sử để lại, việc vi phạm đã diễn ra từ lâu nhưng không được xử lý dứt điểm dẫn đến mất an toàn hành lang đường sắt. Các trường hợp vi phạm không được xử lý nghiêm minh nên chưa đủ sức răn đe. Các đợt tuần tra, kiểm soát chủ yếu do Đội CSGT đường sắt và đơn vị quản lý đường sắt triển khai, chưa có sự vào cuộc tích cực từ các tổ chức khác. Chính vì vậy, việc xử lý các trường hợp vi phạm chỉ dừng lại ở nhắc nhở chứ chưa được triển khai cưỡng chế, tháo dỡ. Từ đầu năm 2017 đến nay, Đội CSGT đường sắt và đơn vị quản lý đường sắt phối hợp với UBND xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn tổ chức cưỡng chế, phá dỡ 1 công trình vi phạm tại km 146 270, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp và hành lang đường sắt. Qua đó, có thể thấy số vụ vi phạm bị xử lý còn rất hạn chế. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt rất cần có những đợt ra quân, xử lý triệt để công trình vi phạm. Cùng đó, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương có đường sắt đi qua.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()