Cần xử lý dứt điểm tình trạng xe ba bánh giả danh
Những chiếc xe ba bánh chở theo hàng hóa cồng kềnh chạy trên đường phố không còn là hình ảnh hiếm gặp bấy lâu nay ở Hà Nội. Hệ lụy từ nó là ùn tắc, mất an toàn giao thông, nhưng, đến khi nào tình trạng này mới chấm dứt thì không ai biết!?
Mới đây, lại thêm 1 vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan tới xe ba bánh, chở hàng hóa cồng kềnh diễn ra trên đường phố Hà Nội. Cụ thể, vào khoảng 11h trưa ngày 10/6, một xe ba bánh chở hàng chạy trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) theo hướng từ Hà Đông về Linh Đàm. Khi tài xế điều khiển xe rẽ vào ngõ 300 đường Nguyễn Xiển thì bất ngờ chiếc xe lật ngửa, cả xe và hàng đè lên 1 người đàn ông ngồi trên xe, khiến người này tử vong.
Mặc dù thường xuyên chở theo hàng hóa cồng kềnh, nhưng rất ít các tài xế lái xe ba bánh có bằng lái hoặc thường xuyên điều khiển xe thiếu sự chấp hành luật an toàn giao thông khi đi trên đường. Đơn cử như vụ tai nạn giao thông xảy ra hồi tháng 6/2016 trên đường Võ Chí Công, 1 xe ba bánh chạy ngược chiều với tốc độ cao đã đâm vào xe ô tô chở khách đang đi đúng phần đường, ngay sau đó, một xe máy cũng đi ngược chiều (phía sau xe ba bánh) không làm chủ được tốc độ nên đã đâm tiếp vào phía sau xe ba bánh, vụ tai nạn khiến người điều khiển xe 3 bánh, 2 người đi trên xe máy bị thương nặng. Được biết, cách đó không lâu, trên cùng tuyến đường này cũng đã xảy ra một vụ tai nạn do xe ba bánh chở gas đi ngược chiều đâm trực diện vào một ô tô khiến người điều khiển xe ba bánh bị thương nặng, 2 xe đều vụn nát.
Bức xúc về tình trạng này, chị Nguyễn Hoàng Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Họ vượt đèn đỏ, lao cả lên vỉa hè trước sự chứng kiến của bao nhiêu người đi đường nhưng chẳng ai dám làm gì cả, bởi đa phần xe họ đều gắn mác “thương binh”. Tôi có lần suýt gặp tai nạn bởi đi cạnh một chiếc xe ba bánh chở theo những thanh sắt dài tới hàng mét, cần phải xử lý triệt để tình trạng này, không thể vì lý do “mưu sinh” mà coi thường sinh mạng của người khác được”.
Trên thực tế, xe ba bánh hay còn gọi là xe ba gác được sản xuất nhằm mục đích phục vụ một số thương binh không có khả năng lao động, tạo điều kiện cho họ trong việc di chuyển. Tuy nhiên, loại xe này đang bị lạm dụng thành phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá tải trọng, gây nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông. Đáng chú ý, theo quan sát của phóng viên, đa số các xe ba bánh lưu thông trên đường phố lại không phải loại xe được sản xuất tại nhà máy có uy tín mà hầu hết là xe tự chế, tự gióng.
Khi tìm hiểu về sự an toàn của loại phương tiện này, chúng tôi được anh Nguyễn Phúc Long, một thợ cơ khí trên phố La Thành cho biết: “Đa phần là xe được gióng từ các bộ phận của xe máy cũ thôi, từ bình xăng, tay lái cho đến giảm xóc của xe đều được lắp ráp từ các loại linh kiện của xe máy cũ. Còn phần khung xe và thùng xe thì thường được họ tự gióng, hoặc hàn lại bằng thép, nếu chạy trên đường thì chắc chắn là thiếu an toàn, nhất là khi loại xe này thường dùng chở hàng nặng”.
Nói về tình trạng này, tại một buổi họp hồi đầu tháng 1/2017, khi trả lời báo giới, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố chỉ có 30 xe ba bánh được ngành chức năng đăng ký, số còn lại (khoảng 99%) không được đăng ký quản lý. Năm 2016, Công an các cấp của thành phố Hà Nội cũng đã kiểm tra, xử lý trên 6.900 xe ba bánh, 4 bánh, phạt tiền trên 2,7 tỷ đồng. Cùng với đó là thực hiện tịch thu, tiêu hủy 342 xe ba bánh các loại. Theo Thiếu tướng Khương, mặc dù lực lượng chức năng đã ra quân, quyết liệt xử lý xe ba bánh, nhưng tình hình vẫn còn phức tạp, nhất là tình trạng giả danh thương binh, bệnh binh gây áp lực khi bị xử lý vì vi phạm. Cho tới thời điểm hiện nay, tình trạng xe ba bánh chở hàng hóa cồng kềnh vẫn đang diễn ra trên đường phố Hà Nội.
Và mới đây nhất, ngày 8/6 vừa qua, việc này được nhắc lại một lần nữa tại Hội nghị triển khai Kế hoạch 199 của Công an TP. Hà Nội về việc tổng điều tra, kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải, xe ba, bốn bánh giả danh thương binh hoạt động trên địa bàn TP. Theo số liệu từ Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, tính đến ngày 12/6 (sau 3 ngày ra quân) lực lượng Công an trên toàn TP đã xử lý tổng số là 310 trường hợp xe bánh tự chế, giả danh thương binh gây mất trật tự an toàn giao thống. Trong đó, riêng lực lượng CSGT đã xử lý 218 trường hợp xe ba bánh tự chế các loại…
Trên thực tế, sau mỗi đợt ra quân của lực lượng chức năng, tình trạng xe ba bánh chở hàng cồng kềnh có giảm, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn, gây bức xúc cho dư luận và xã hội. Một phần bởi việc sản xuất, mua bán loại phương tiện này diễn ra công khai và khá dễ dàng, mặt khác, tâm lý chung của mọi người là rất ngại va chạm với “thương binh”, có lẽ là không ngoại trừ kể cả với các chiến sỹ CSGT khi đang làm nhiệm vụ!?
Phát biểu tại Hội nghị sáng 8/6 vừa qua, Thiếu tướng Đinh Văn Toản – Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nhấn mạnh, để Kế hoạch phát huy được hiệu quả, mang tính bền vững, các lực lượng chức năng phải tiến hành rà soát, thống kê số lượng các phương tiện, khu vực thường xuyên xảy ra vi phạm trên địa bàn thành phố, đặc biệt là xe ba, bốn bánh giả danh thương binh. “Nếu chủ phương tiện chưa được Công an xã, phường và chính quyền địa phương nơi cư trú tuyên truyền, vận động và ký cam kết, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, đơn vị xử lý vi phạm xác minh tổng hợp báo cáo Giám đốc Công an TP để có hình thức xử lý đối với chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ được phân công phụ trách trên địa bàn” – Thiếu tướng Đinh Văn Toản nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, để tình trạng này không tiếp diễn và gây bức xúc cho dư luận, cơ quan chức năng cần kiên quyết hơn trong công tác xử lý vi phạm, đặc biệt là không nề hà đối với những đối tượng “giả danh” thương binh điều khiển phương tiện, ngoài ra cần có những chế tài nghiêm khắc hơn với các đối tượng này, như vậy người dân mới không phải đặt câu hỏi: Đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt!?
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()