Cần xem xét nhiều vấn đề khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu
Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu cần xem xét áp dụng với đối tượng lao động phù hợp, thận trọng với đối tượng lao động đặc thù. Trong ảnh: Công nhân sản xuất gạch tại Công ty cổ phần Gốm sứ xây dựng COSEVCO (Đồng Hới, Quảng Bình).
Khối lao động trực tiếp có muốn tăng tuổi hưu?
Tại hội thảo tham gia ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động và quy định về quấy rối tình dục nơi làm việc, do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp Tổ chức Care tại Việt Nam tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến đa chiều, thẳng thắn từ các chuyên gia, đại diện người lao động, người lao động được chia sẻ.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Khu công nghiệp Thăng Long) Phạm Hải Hà, đại diện cho gần 6.000 lao động cho biết, khảo sát trong công ty chỉ có 1,5% số người lao động (NLĐ) đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Theo chị Hà, NLĐ thường xuyên phải đứng thao tác bằng chân tay, cường độ làm việc cao, trong khi các chi tiết điện tử rất nhỏ, ảnh hưởng nhiều đến mắt, xương khớp… vì thế rất khó bảo đảm tính chính xác khi NLĐ tuổi cao. Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân lao động trực tiếp trong xưởng may (Công ty cổ phần thương mại TNG Thái Nguyên), năm nay 48 tuổi cũng chia sẻ, công việc của những công nhân may mặc rất vất vả, vì thường đến năm 40 tuổi NLĐ bắt đầu xuất hiện tình trạng mắt mờ, chân tay run, năng suất lao động thấp hơn nhiều so lớp trẻ. Nếu tăng tuổi hưu, chúng tôi phải nghỉ sớm, hưởng lương hưu thấp và tiếp tục phải đi kiếm sống khi đã già, như vậy có bất hợp lý?…” – chị Hiền đặt câu hỏi và kiến nghị, xem xét không tăng tuổi hưu đối với NLĐ trực tiếp.
Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho thấy, ngành điện tử là ngành tạo việc làm lớn nhất ở Việt Nam trong 10 năm qua. Tổng số lao động đã tăng nhanh từ 167.500 người năm 2010 lên 497 nghìn người năm 2015; năm 2017 đạt 690 nghìn người, chiếm 1,3% tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Lao động nữ chiếm tới 78% tổng lực lượng lao động trong ngành điện tử năm 2015; tỷ lệ này duy trì trong giai đoạn 2010-2015 và giảm nhẹ xuống mức 76,2% trong năm 2017.
Có thể thấy, đối với một số ngành nghề thâm dụng lao động như: da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử… tỷ lệ công nhân nữ làm việc trực tiếp chiếm rất lớn, và vấn đề sức khỏe, khả năng lao động của nhóm này cũng là những rào cản lớn cho việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, hoặc sẽ dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động tìm mọi cách để không tiếp tục sử dụng lao động nữ khi họ đạt mức tuổi nhất định. Hay một số nhóm lao động công tác trong những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại như công nhân khai thác, công nhân xây dựng; hay một số lao động nữ trong ngành, nghề đặc thù như nghệ thuật, giáo viên mầm non… nếu kéo dài tuổi làm việc cũng dẫn đến tình trạng sức khỏe giảm sút và có thể kéo theo chi phí chăm sóc sức khỏe, y tế tăng lên nhiều hơn.
Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Đình Quảng cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ trong việc điều chỉnh tuổi hưu là cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, kèm theo giải quyết việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; bảo đảm không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Đồng thời, cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với những đối tượng này, có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu, hoặc có lộ trình tăng chậm hơn, có các chính sách hỗ trợ linh hoạt.
Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Bình thừa nhận, một số nhóm lao động không đáp ứng được tuổi nghỉ hưu ở nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi như đề xuất. Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật Lao động, việc điều chỉnh tuổi hưu của nam lên 62 tuổi và nữ lên 60 tuổi áp dụng cho những NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường. Còn những NLĐ bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt vẫn có quyền nghỉ hưu sớm hơn như quy định hiện hành (tức là vẫn được giảm 5 năm). “Vấn đề tại sao Bộ luật Lao động chưa nêu cụ thể, bởi Bộ luật này không bao trùm hết được mà phải điều chỉnh bằng các luật liên quan, nghị định, thông tư khác…” – Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình giải thích.
Xem xét nhiều vấn đề khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu
Hiện có nhiều ý kiến, phương án đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động từ phía các chuyên gia, cộng đồng, như: xem xét mở rộng phạm vi, đối tượng và các điều kiện được tăng tuổi nghỉ hưu tối đa thêm 5 năm đối với từng ngành nghề, lĩnh vực, cán bộ, công chức… Đồng thời, tăng điều kiện để thu hẹp phạm vi đối tượng được nghỉ hưu trước tuổi 5 năm và vẫn có thể giữ tuổi nghỉ hưu tối đa của nam và nữ như hiện nay; hoặc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, nhưng vẫn cho phép lao động nam từ đủ 60 tuổi và lao động nữ từ đủ 55 tuổi được quyền nghỉ hưu nhưng chỉ được nhận chế độ hưu trí khi đã đủ 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi với nữ theo hướng không bị giảm trừ tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội… Theo chuyên gia độc lập về bảo hiểm xã hội Nguyễn Thị Diệu Hồng, đây là thời điểm nhiều nước trên thế giới đều có lộ trình điều chỉnh tuổi gọi là “hưởng lương hưu” chứ không phải tuổi nghỉ hưu. Vì thế, chúng ta cần phân biệt rõ khái niệm và không nên nói “nghỉ hưu”, ai trong độ tuổi lao động có nhu cầu nghỉ cứ nghỉ, nhưng không được “hưởng lương hưu”… Độ tuổi nghỉ hưu được quy định trong Bộ luật Lao động, còn quyền “hưởng lương hưu” thì được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội.
Đánh giá về nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, có những tác động tích cực khi thu hẹp khoảng cách giới trong quy định tuổi hưu của NLĐ nam và nữ từ 5 năm xuống còn hai năm. Đồng thời, khắc phục một bước sự chênh lệch về thu nhập và lương hưu khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu do năng lực, điều kiện và nhu cầu làm việc khác nhau giữa các nhóm NLĐ trong các ngành nghề khác nhau. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu sớm của phụ nữ góp phần gia tăng khoảng cách thu nhập trong thời gian đi làm cũng như lương hưu sau này giữa phụ nữ và nam giới. Khắc phục hạn chế về rào cản đối với phụ nữ giúp phụ nữ có thêm nhiều cơ hội tham gia và giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan tổ chức, nhất là khu vực công…
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng đặt ra vấn đề, thời kỳ già hóa dân số của Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2011, và đến năm 2025 có khoảng 25% dân số già. Thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể phải đối mặt nguy cơ thuê nguồn lao động từ nước ngoài như nhiều nước trên thế giới hiện nay, cho nên việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị, ban soạn thảo cần xác định được các ngành, nghề nào cần tăng tuổi nghỉ hưu và ngành nghề nào được về hưu trước tuổi; đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi thực hiện lộ trình tăng tuổi hưu…, để bảo đảm lựa chọn được phương án phù hợp và tối ưu khi xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()