Cần xây dựng tiêu chí phát triển điện mặt trời
Bên cạnh các chính sách thông thoáng, ưu đãi của Chính phủ cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời (ĐMT) nói riêng, để ngành công nghiệp này phát triển, rất cần xây dựng tiêu chí cho ĐMT.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (xét triển vọng đến năm 2030), đến năm 2020 tổng công suất nguồn điện quốc gia cần đạt 60.000 MW, tới năm 2025 là 96.000 MW và năm 2030 là 130.000 MW. Tuy nhiên, hiện nay tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống của nước ta mới đạt 45.000 MW.
Do đó, quy hoạch đã xác định việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, sẽ nâng công suất đặt từ 6-7 MW năm 2017 lên 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất của cả nguồn điện.
Như vậy, để tạo hành lang về pháp lý, kỹ thuật cho phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT, rất cần xây dựng một tiêu chí, quy chuẩn cho ĐMT, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống, nhằm bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn cung, góp phần vào sự phát triển bền vững.
Nhận diện khó khăn, vướng mắc
Việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện còn thấp, cơ sở hạ tầng lưới diện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là đối với các dự án ĐMT), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỉ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên…
Trong đó, vấn đề đang làm nhiều nhà đầu tư và người dân quan tâm nhất là chi phí lắp đặt hệ thống ĐMT ban đầu khá cao. Đây có lẽ là khó khăn đầu tiên khi phát triển ĐMT tại Việt Nam.
Ví dụ, một hộ gia đình lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái diện tích 20 m 2sẽ cho công suất 3 kWp. Suất đầu tư cho 1 kWp xấp xỉ 20 triệu đồng. Trung bình lượng điện sản sinh được sử dụng tại chỗ 20%, số 80% còn lại được bán lại cho công ty điện lực thì thời gian thu hồi vốn khoảng 8 năm. Đối với đa số hộ gia đình thì chi phí 20 triệu đồng là số tiền khá lớn trong tổng nguồn chi tiêu của gia đình.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm vận hành an toàn và đạt được hiệu quả tốt với những hệ thống ĐMT có công suất lớn cũng đang là thách thức không nhỏ vì hệ thống ĐMT sản xuất nguồn điện lên xuống gần như là tức thời nên không bảo đảm sự ổn định như những hệ thống khác. Ngoài ra, lượng điện sản xuất được gần như phải tiêu thụ hoặc hòa lưới ngay lập tức vì hệ thống dự trữ ĐMT khá giới hạn mà chi phí đầu tư cho hệ thống này cũng tương đối cao. Do đó, khi không có ĐMT thì lưới điện phải ngay lập tức bù điện vào phần công suất thiết hụt ĐMT.
Thêm nữa là mức giá bán ĐMT khoảng 9,35 cent Mỹ/kWh trong thời gian 20 năm theo quy định của Chính phủ chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15% (theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Cùng với đó là sự ràng buộc về diện tích đất sử dụng của dự án ĐMT nối lưới có diện tích sử dụng đất lâu dài không quá 1,2 ha/MWp (Thông tư 16/2018/TT-BCT).
Như vậy, khó khăn, vướng mắc là ở chỗ những quy định này chưa có chủ thể giám sát. Diện tích đất tuy có thể dễ dàng giám sát khi doanh nghiệp được địa phương cấp quyền sử dụng đất với công suất lắp đặt thực tế của dự án, nhưng ai là đơn vị giám sát hay hậu kiểm cũng như đơn vị nào sẽ giám sát, kiểm hiệu suất của tế bào quang điện?
Xây dựng tiêu chí, quy chuẩn chung
Kinh nghiệm thực tế từ các nước châu Á và trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng sạch, trong đó có ĐMT, Nhà nước cần có chính sách khoa học cụ thể về phát triển năng lượng sạch, đồng thời phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hành các chính sách đó. Chính phủ tạo cơ chế công bằng và định hướng rõ ràng để các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển ĐMT tại Việt Nam. Đây chính là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy ngành năng lượng sạch phát triển.
Như vậy, để phát triển ĐMT đi đúng hướng và bền vững, từ việc nhận diện và phân tích những khó khăn, vướng mắc nêu trên ngay từ bây giờ bắt đầu của quá trình phát triển, chúng ta cần xây dựng tiêu chí, quy chuẩn chung để tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhưng chặt chẽ cho ĐMT phát triển.
Theo đó cần xây dựng tiêu chí ngành cho ĐMT như: Xây dựng cơ chế cụ thể cho các nhà đầu tư, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật với thiết bị của ĐMT, ban hành các quy định để kiểm tra, giám sát chất lượng thiết bị, đề xuất thành lập đơn vị chức năng để xây dựng các tiêu chí kỹ thuật, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực về ĐMT…
Về tài chính, Nhà nước có thể ban hành các văn bản khuyến khích các ngân hàng thiết kế gói vay liên quan đến ngành năng lượng mặt trời nói chung và ĐMT nói riêng, với các gói vay phù hợp từng đối tượng đầu tư…
Cần nhanh chóng hoàn thiện các quy trình, trình tự, thủ tục đấu nối và ký hợp đồng; tiếp nhận và giải quyết yêu cầu bán điện từ dự án ĐMT của chủ đầu tư; thanh toán tiền điện đối với dự án ĐMT; các hạng mục kiểm tra ban đầu khi đấu nối và trong quá trình vận hành dự án để tạo ra sự thông thoáng, thuận lợi cho các bên tham gia.
Để thúc đẩy phát triển ĐMT tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2023/QĐ-BCT ngày 5/7/2019 gồm 5 hợp phần là: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển ĐMT theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường; tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; chương trình Chứng chỉ ĐMTAM; xây dựng hệ thống thông tin quản lý và chiến lược truyền thông.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã xây dựng, hoàn thiện chính sách về ĐMT; thực hiện các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho bên lắp đặt ĐMT; xây dựng bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm dành cho hệ thống ĐMT; triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính và tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về ĐMT.
Mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư xã hội hóa một số công trình lưới điện truyền tải có chức năng thu gom công suất các dự án điện gió, ĐMT từ các chủ đầu tư những dự án này. Đối với các điểm nút truyền tải quan trọng, sau khi công trình đi vào vận hành, cho phép chủ đầu tư bàn giao lại cho ngành điện quản lý, vận hành.
Như vậy, việc xây dựng tiêu chí, quy chuẩn cho ĐMT sẽ tạo động lực quan trọng để ĐMT không chỉ phát triển mà còn phát triển bền vững, hỗ trợ vào nguồn năng lượng quốc gia phục vụ sự phát triển của nền kinh tế-xã hội.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()