Cần xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ba kích
Người dân xã Đình Lập, huyện Đình Lập trồng cây ba kích |
Hiện nay, bình quân mỗi ki – lô – gam ba kích dao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg củ tươi, khoảng 700.000 đồng/kg củ khô. Về giá trị kinh tế, mỗi héc ta ba kích cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng sau 3 năm đầu tư. Đặc biệt, loại cây dược liệu này có thể trồng xen dưới các tán rừng. Với giá trị mang lại, ba kích không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập mà còn giúp nông dân Đình Lập làm giàu. Thấy được hiệu quả từ cây ba kích mang lại, nhiều hộ dân bắt đầu chú trọng phát triển, nhân rộng diện tích. Từ năm 2010 đến nay, huyện Đình Lập nhân rộng cây ba kích trên diện tích 20 ha…
Chị Vi Thị Thanh Mai, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Là cây dược liệu gắn với địa danh huyện Đình Lập song sản phẩm ba kích chưa có nhãn hiệu tập thể “Đình Lập” nên giá bán sản phẩm này trên thị trường vẫn chưa phản ánh được giá trị thực tế cũng như danh tiếng của nó. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp và nông dân chưa có sự liên kết trong tổ chức sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian qua, sản phẩm ba kích của huyện Đình Lập được đưa sang các tỉnh khác và gắn mác địa phương khác nên thương hiệu ba kích Đình Lập bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy cần phát triển cây ba kích thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Lạng Sơn nằm trong vùng ưu tiên phát triển 16 cây dược liệu, trong đó có cây ba kích. Cùng đó, Đình Lập cũng nằm trong quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu của tỉnh.
Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể “Đình Lập” cho sản phẩm ba kích, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập tổ chức 2 hội thảo thống nhất lựa chọn mẫu nhãn hiệu tập thể và quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm; triển khai 2 lớp tập huấn cho 140 nông dân và cán bộ các hội trên địa bàn về kiến thức trồng, chăm sóc thu hái, bảo quản ba kích. Cùng đó, huyện quy hoạch vùng dược liệu cây ba kích tại 5 xã: Đình Lập, Cường Lợi, Châu Sơn, Đồng Thắng, Bắc Lãng với diện tích trồng mới là 66 ha, sản lượng dự kiến 297 tấn củ tươi. Đến 2020 sẽ nhân rộng trên diện tích 325 ha, sản lượng đạt trên 1.600 tấn củ tươi.
Thực tế cho thấy nhiều sản phẩm của địa phương sau khi được bảo hộ có thuận lợi nhất định trong việc thâm nhập thị trường. Trong điều kiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp thì việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Đình Lập” cho sản phẩm ba kích là rất cần thiết. Cùng đó, việc thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể Đình Lập cho sản phẩm ba kích giúp nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm bản địa mang nhãn hiệu tập thể trên thị trường. Hơn thế, nó còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân vùng trồng ba kích.
Ý kiến ()