Cần xây dựng mô hình chế biến, bảo quản quả trám đen
– Quả trám đen được trồng tại Lạng Sơn có thịt dầy, hạt nhỏ, có vị thơm, bùi, béo đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Tuy nhiên, quả chín theo mùa, thời gian bảo quản ngắn, sản lượng ngày càng tăng, vì vậy, rất cần được chế biến, bảo quản với quy mô lớn.
Quả trám đen có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng canxi thuộc loại cao nhất trong các loại quả. Trám đen là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi, mỗi năm cho thu hoạch một lần. Tại Lạng Sơn, cây trám đen được trồng cách đây khoảng 80 năm và trồng nhiều tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc, Hữu Lũng… với diện tích hơn 100 ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm, mang lại giá trị kinh tế khoảng 150 tỷ/năm. Từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm là thời điểm trám đen cho thu hoạch. Tuy nhiên quả trám đen ở Lạng Sơn chủ yếu được tiêu thụ trong mùa thu hoạc bởi loại quả này còn khó khăn trong bảo quản, chế biến. Từ trước đến nay, phương pháp bảo quản thủ công trong nhân dân chủ yếu cấp đông, không tiêu diệt được hết vi sinh vật, nấm mốc gây hại. Do đó, việc kéo dài thời gian sử dụng hay mang đi xa gặp nhiều khó khăn.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm trám đen tại hội nghị tổng kết chương trình phát triển tài sản trí tuệ (tháng 12/2020)
Bà Trần Thị Lan, tiểu thương kinh doanh tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn cho biết: Là người thường mua trám đen về tách hạt, bán trám đen muối nhưng tôi đã thử nhiều phương pháp để bảo quản được lâu như làm chín quả trám, ngâm với muối hoặc tách hạt cấp đông. Tuy nhiên, sau một thời gian, mùi vị cũng như độ bùi, béo của quả trám giảm đáng kể, màu sắc cũng bị biến đổi.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm tỉnh, chủ nhiệm dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Trám đen của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn” cho biết: Kéo dài thời gian bảo quản để thường xuyên có sản phẩm cung cấp ra thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm đặc biệt là đưa sản phẩm trám đen bay cao, bay xa trên thị trường là điều trăn trở của người làm khoa học như chúng tôi. Hiện nay, ngoài cấp đông thì các biện pháp khác để bảo quản quả trám đen vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, loại quả này rất cần được bảo quản, chế biến hiệu quả sau thu hoạch.
Thời gian qua, các cấp ngành ở tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển và xây dựng, bảo vệ thương hiệu loại quả này. Cụ thể như cơ quan chức năng huyện Hữu Lũng triển khai đề tài khoa học “Tuyển chọn và nhân giống trám đen”; huyện Văn Quan phối hợp thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trám đen của huyện Văn Quan”, đến nay, trám đen đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại Nghệ An các nhà khoa học và doanh nghiệp đã tìm ra một số phương pháp kéo dài thời gian bảo quan sản phẩm trám đen. Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH TM XD Thiên Phú (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Cách đây ít lâu đã có 1 doanh nghiệp tại tỉnh Nghệ An triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản quả trám đen Thanh Chương” của tỉnh Nghệ An. Qua đó, đã bảo quản thành công 1.900 kg nguyên liệu; sử dụng 10.500 kg nguyên liệu chế biến trám muối ăn liền và sấy khô 790 kg nguyên liệu trám đen. Từ dự án này, chúng tôi đang tích cực nghiên cứu để hoàn thiện kỹ thuật bảo quản, chế biến trám đen của tỉnh Lạng Sơn bằng phương pháp ngâm muối, sấy lạnh và xây dựng cơ sở chế biến với quy mô 5 đến 7 tấn nguyên liệu/vụ.
Thực tế trên cho thấy: để nâng cao giá trị sản phẩm trám đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bên cạnh nâng cao chất lượng cây giống, sản phẩm thì các cấp, ngành liên quan, doanh nghiệp cần chú trọng công tác chế biến, bảo quản. Như vậy, người nông dân sẽ giảm được gánh nặng về đầu ra, giá thành sản phẩm được nâng cao.
Ý kiến ()