Cần xây dựng kế hoạch phát triển các giống vật nuôi
Hằng năm nước ta phải nhập khẩu nhiều giống vật nuôi từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, việc nhập khẩu giống mới cũng gây ra nhiều hệ lụy cho ngành chăn nuôi. Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nhiều giống vật nuôi, nhưng phần lớn các giống này đều có năng suất thấp, thời gian nuôi dài, do vậy ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, nước ta đã phải nhập khẩu một số giống lợn, vịt, gà, bò Lang trắng đen, trâu Murah... Còn đến thời điểm hiện nay thì hàng trăm giống mới đã và đang được du nhập vào nước ta, không chỉ có bò, dê, gà mà cả ong, tằm... cũng phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài các giống vật nuôi, hằng năm một số giống gia súc, gia cầm mới vẫn được nhập khẩu vào nước ta để nuôi khảo nghiệm. Số liệu thống kê nêu trên cho thấy hầu hết các giống vật nuôi phổ biến của thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000 - 2010, hằng năm...
Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nhiều giống vật nuôi, nhưng phần lớn các giống này đều có năng suất thấp, thời gian nuôi dài, do vậy ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, nước ta đã phải nhập khẩu một số giống lợn, vịt, gà, bò Lang trắng đen, trâu Murah… Còn đến thời điểm hiện nay thì hàng trăm giống mới đã và đang được du nhập vào nước ta, không chỉ có bò, dê, gà mà cả ong, tằm… cũng phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài các giống vật nuôi, hằng năm một số giống gia súc, gia cầm mới vẫn được nhập khẩu vào nước ta để nuôi khảo nghiệm. Số liệu thống kê nêu trên cho thấy hầu hết các giống vật nuôi phổ biến của thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000 – 2010, hằng năm nước ta đã nhập khẩu bình quân khoảng 1,0-1,2 triệu con giống gia cầm; 500-1.000 lợn giống; 5.000- 6.000 bò giống sữa và thịt.
Việc nhập khẩu nguồn gien mới đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi ở nước ta. Hầu hết các giống ngoại không những được đưa vào sản xuất, chăn nuôi trực tiếp, mà còn được sử dụng làm nguyên liệu di truyền để lai tạo nhằm cải thiện năng suất của các giống trong nước. Đến nay, một số giống vật nuôi nhập khẩu đã được nhân rộng và phát triển mạnh trong sản xuất như các giống lợn, bò sữa, gà… Chính nhờ có các giống vật nuôi nhập khẩu cùng với việc áp dụng các công nghệ chăn nuôi tiên tiến đã thúc đẩy sự phát triển phương thức chăn nuôi trang trại công nghiệp trong những năm qua, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.
Việc nhập khẩu và sử dụng các giống ngoại ồ ạt, thiếu sự kiểm soát không những gây ra hậu quả cho công tác bảo tồn và khai thác các giống vật nuôi trong nước, mà còn mang đến nhiều rủi ro cho ngành chăn nuôi do nhiễm các bệnh dịch mới. Kết quả điều tra nguồn gien vật nuôi đã phát hiện ở nước ta có khoảng 50 giống vật nuôi thuộc 12 loài, nhưng đến nay có 12 giống không được sử dụng, một số giống đã giảm dần và có nguy cơ tuyệt chủng. Ngày nay các giống lợn ỉ, Thuộc Nhiêu, Ba Xuyên, gà Văn Phú chỉ có nhìn thấy trong các bức tranh Đông Hồ hoặc trong một số cuốn sách giáo khoa. Gà ri là một trong các giống gia cầm có chất lượng thịt thơm ngon được nuôi phổ biến ở các miền quê nước ta trong các thập niên trước đây. Tuy nhiên, do việc lai tạo tùy tiện, giữa các giống gà thả vườn nhập nội như Lương Phượng, Tam Hoàng, Kabir với gà ri trong quá trình chăn thả tự do đã làm tăng tính pha tạp và giảm dần tính thuần nhất của giống gà nổi tiếng này. Ngày nay, số lượng gà ri thuần chủng giảm đáng kể. Dưới áp lực của việc tăng năng suất, người chăn nuôi hầu như đã bỏ quên các giống trong nước vốn có rất nhiều đặc tính tốt mà chỉ chú trọng khai thác giống nhập từ bên ngoài. Người ta quên hẳn một điều là các giống trong nước tuy năng suất thấp, nhưng mang các gien quý giá quyết định chất lượng sản phẩm, đồng thời chúng có khả năng chống chịu bệnh tật và tính thích nghi cao với điều kiện chăn thả tự nhiên. Hơn thế nữa phải trải qua hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, cha ông ta mới thuần hóa, chọn lọc, lai tạo được các giống vật nuôi để lại cho con cháu như ngày nay.
Mặt khác, cùng với việc nhập khẩu giống từ nước ngoài là việc du nhập thêm một số bệnh mới trên gia súc, gia cầm mà từ trước tới nay chưa hề có ở Việt Nam. Chẳng hạn bệnh Gumboro ở gà trước đây không có ở nước ta, nhưng nay thì khá phổ biến. Nhất là bệnh cúm gia cầm và tai xanh ở lợn chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, nhưng đã và đang gây ra thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là nước ta chưa có một chiến lược quốc gia dài hạn và đầu tư thỏa đáng nguồn lực của xã hội để phát triển giống vật nuôi, trong đó có chương trình bảo tồn, phát triển và khai thác các giống bản địa. Trong khi đó, chúng ta lại thiếu các biện pháp đánh giá và kiểm soát công tác lai tạo giống, dẫn đến tình trạng lai tạo giống một cách tùy tiện, khiến giống không được đánh giá, kiểm soát về chất lượng nhưng vẫn được lưu thông trên thị trường và một số giống nội địa không những đã bị pha tạp mà còn có nguy cơ biến mất.
Trước thực trạng nêu trên, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng kế hoạch phát triển các giống vật nuôi chủ lực để vừa khai thác có hiệu quả các giống nhập khẩu có năng suất cao, phù hợp phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp, đồng thời vừa bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững các giống trong nước phục vụ cho hướng chăn nuôi sinh thái. Để đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đầu tư và thực hiện chương trình quốc gia về bảo tồn, cải tiến và phát triển các giống vật nuôi trong nước, trong đó chú trọng các giống đang có thị trường tiêu thụ. Xem đây là ưu tiên số một trong chương trình giống vật nuôi trong những năm sắp tới. Thông qua các nguồn lực từ sự nghiệp khoa học, từ chương trình giống ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất các giống có đặc tính tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trước mắt cũng như lâu dài. Cần sớm có cơ chế, chính sách mới phân bổ nguồn lực của Nhà nước cho chương trình giống vật nuôi, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực tư nhân thay vì đầu tư quá nhiều cho các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước, nhưng hiệu quả thấp và đóng góp cho sản xuất còn ít (hiện nay đã có một số cơ sở chăn nuôi tư nhân đầu tư nghiên cứu cải tiến năng suất và phát triển sản xuất hàng chục nghìn con gà ri thuần chủng, hàng nghìn lợn rừng lai nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước).
Thứ hai, bên cạnh chính sách hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAHP, cần có chính sách hỗ trợ phát triển phương thức chăn nuôi sinh thái với vật nuôi chủ lực là các giống trong nước. Đây là hướng lựa chọn khôn ngoan khi mà ngành chăn nuôi trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm chăn nuôi cùng loại nhập khẩu ngày càng gia tăng.
Thứ ba, để khai thác và sử dụng có hiệu quả các giống vật nuôi ngoại, giảm thấp nhất rủi ro do dịch bệnh, cần có sự chuyển biến tích cực trong việc nhập khẩu giống. Tránh tình trạng nhập khẩu giống vật nuôi kém thích nghi, hoặc nhập khẩu ồ ạt nhiều nguồn gien mà không có định hướng. Đồng thời, các cơ sở sản xuất giống cần chú trọng làm tốt công tác chọn lọc, nhân giống đối với các giống đã nhập khẩu, nhằm khai thác hết tiềm năng di truyền của chúng. Điều này không những sẽ giảm sự lãng phí nguồn lực cho các doanh nghiệp khi phải nhập khẩu giống liên tục mà còn hạn chế tác động tiêu cực đối với các công tác bảo tồn, khai thác và sử dụng có hiệu quả các giống vật nuôi trong nước ở nước ta trước mắt cũng như lâu dài.
Theo Nhandan
Ý kiến ()