Cần xây dựng chiến lược dạy trực tuyến
Hiện nay, dạy học trực tuyến (DHTT) đã trở thành từ khóa trong các nhà trường và trên nhiều diễn đàn khoa học thế giới. Ở Việt Nam mọi người mới chỉ biết nhiều về DHTT khi dịch Covid-19 tràn về, khiến học sinh không thể tới trường để được học trực tiếp theo cách truyền thống. Vì vậy cần xây dựng chiến lược lâu dài cho việc DHTT.
Những bất cập
Phương thức DHTT (E-Learning hay Online learning) đã có từ nhiều năm trước. Một số đơn vị của Việt Nam đã áp dụng phương thức này để đào tạo từ xa cho những học viên không có điều kiện tới lớp học tập trung. Tuy nhiên, DHTT cho học sinh, sinh viên để thay cho học trực tiếp truyền thống lại là rất mới lạ, vì thế gặp phải trở ngại khó khăn là điều khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy, khoảng 15% tới 20% số trường, số học sinh trong một huyện của các tỉnh miền núi phía bắc gặp khó khăn trong tổ chức DHTT. Khu vực Tây Nguyên học sinh còn nhiều hạn chế về ngôn ngữ, khi giao tiếp hay tiếp thu bài học còn chậm, rất khó cho dạy DHTT. Ðối với các trường ở thành phố, khu đô thị lớn cũng có những khó khăn đặc thù. Học sinh tiểu học, nhất là các lớp 1, 2, 3 học trực tuyến phải có cha mẹ kèm. Do khung giờ học của con và giờ làm của cha mẹ trùng nhau, cho nên không thể triển khai. Ðiển hình, TP Hải Phòng đã phải dừng DHTT cho học sinh lớp 1, lớp 2. Ðáng chú ý, đối với giáo viên trẻ, có sẵn kỹ năng công nghệ thông tin (CNTT) sẽ DHTT hiệu quả hơn so với các giáo viên đã lớn tuổi. Nghĩa là một bộ phận giáo viên khó tiếp cận với DHTT. Việc quản lý quá trình kiểm tra và đánh giá học sinh khi DHTT là không tin cậy và ít hiệu quả. Trong khi dạy học và đánh giá đi song hành cho nên phương pháp sẽ không thể thành công.
Như vậy, hạ tầng CNTT, đường truyền in-tơ-nét, phí phần mềm DHTT và việc bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên để tổ chức dạy học trực tuyến… là những điều kiện bắt buộc, không thể thiếu. Thế nhưng, các địa phương lại không đáp ứng, thiếu đồng bộ hoặc có sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng miền, giữa các trường. Ðáng chú ý, thay đổi nhận thức trong toàn ngành giáo dục về DHTT còn chậm và không giống nhau, nhất là ở các cấp quản lý giáo dục. Thực tế cho thấy, việc DHTT không có kế hoạch lâu dài mà chỉ tạm thời kiểu “ăn đong”. Vì thế, khi có dịch Covid-19, ngành Giáo dục mới khởi động và triển khai DHTT, khi hết dịch các trường lại ngưng. Từ đó, sẽ rất lãng phí chất xám với cả kho bài giảng trực tuyến, với nhiều kỹ năng tổ chức, phương pháp dạy học đã được tích lũy cũng như công năng hạ tầng cho DHTT bị bỏ phí, lãng quên.
Sự bất cập DHTT là do chúng ta chưa có cách nhìn xa, chưa biết cách xử lý khó khăn, dẫn đến triển khai không đồng bộ, có dịch thì dạy, không dịch lại thôi, lãng phí trí tuệ, nguồn lực và hạ tầng phục vụ DHTT.
Cần có chiến lược cụ thể
Nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, với đặc điểm của quốc gia số, kinh tế số và chuyển đổi số. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và truyền thông, DHTT ra đời như một cuộc cách mạng về dạy học, trở thành một xu thế tất yếu, của thời đại CN 4.0 và đang “bùng nổ” ở nhiều nước. Do đó việc đổi mới giáo dục, theo hướng giáo dục kiến tạo, nâng cao chất lượng giáo dục là nhân tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia cũng như mỗi công ty, gia đình và cá nhân. Vì thế, DHTT là cơ hội vàng cho đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học trong thời đại kỹ thuật số, cho nên cần nắm bắt thời cơ quý hiếm này, nhất là ở các thành phố lớn, các đô thị thông minh. Do đó, DHTT là một phương thức dạy học hiện đại không thể bỏ qua giúp người học có thể độc lập về thời gian, không gian và trong mọi giai đoạn của cuộc đời, đó là cách học hiệu quả cho phong cách học tập suốt đời.
Hiện đa phần các giáo viên dạy học trực tuyến lựa chọn các công cụ như mạng xã hội Facebook, Zalo, qua thư điện tử hoặc các hệ thống như Zoom, Google Classroom, Microsoft Team… để dạy học. Ðiều đó cho thấy sự đa dạng các nền tảng DHTT ở các trường, các địa phương.
Mặt khác, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài có nhu cầu được hỗ trợ triển khai DHTT ở Việt Nam; nhiều dự án khởi nghiệp Start-up DHTT cũng đang hình thành. Vì vậy, để DHTT hiệu quả, cần xác định giữa phương thức DHTT và dạy học trực tiếp không bao giờ có thể phủ nhận lẫn nhau, mà cùng tồn tại, cùng hỗ trợ để phát huy thế mạnh của mỗi phương thức dạy học. Ðiều này cho thấy sự tất yếu trong việc đưa DHTT cộng hưởng với dạy học trực tiếp trên lớp. Cần chuẩn bị nguồn lực và năng lực cho nhà trường, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trong việc ứng dụng các mô hình dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến trong cùng một chương trình nhà trường. Cần xây dựng cho được hệ sinh thái cho DHTT; kết hợp đồng bộ và gắn kết giữa các trường đại học, các chuyên gia CNTT và chuyên gia giáo dục, các công ty và doanh nghiệp lớn để cùng phối hợp DHTT.
Việc xây dựng chiến lược cho DHTT cần định hướng xây dựng bản đồ phân vùng, khu vực, các khối trường được DHTT theo nguyên tắc: “Thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp”; quy định cụ thể môn học, hoạt động học và thời điểm DHTT hằng tuần. Như thế sẽ dư ra phòng học và giảm sĩ số học sinh trong lớp khi học trực tiếp, phù hợp cho các khu vực thành phố và khu đông dân cư. Mặt khác, tất cả các khối trường phổ thông ở các địa phương dạy học trực tiếp theo nguyên tắc: Áp dụng có mức độ các ứng dụng của DHTT vào dạy và quản lý dạy học cũng như quản lý nhà trường. Xây dựng lộ trình để từng bước các địa phương có được sự hỗ trợ cần thiết từ công nghệ đến kỹ năng DHTT để sớm tiếp cận và hòa nhập với khối trường đang dạy học theo phương thức DHTT.
Ý kiến ()