Cần xác định đối tác và lĩnh vực để kêu gọi đầu tư vào Thừa Thiên-Huế
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao bước đột phá trong bức tranh phục hồi, duy trì tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và khả năng kiểm soát dịch của địa phương trong thời gian qua
Ngày 30/7, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Thừa Thiên – Huế về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao bước đột phá trong bức tranh phục hồi, duy trì tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và khả năng kiểm soát dịch COVID-19 của địa phương trong thời gian qua. Đặc biệt, ngành công nghiệp dịch vụ đã có sự phục hồi rõ rệt, hoạt động du lịch sôi động trở lại. Thừa Thiên – Huế vừa đảm bảo phục hồi phát triển kinh tế – xã hội vừa đóng góp ổn định cho đất nước.
“Tôi đồng tình với các trọng tâm mà tỉnh đề ra để xây dựng địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như bảo tồn, phát huy di sản Cố đô, bản sắc văn hóa; du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn; công nghệ thông tin, truyền thông và đột phá; nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ cao là nền tảng. Những trọng tâm này không chỉ cần phát triển trong nội địa mà còn phát triển hợp tác quốc tế. Đặc biệt, ngành du lịch phải được chú trọng, quan tâm và phát huy các tiềm năng về du lịch lịch sử, sinh thái, tâm linh” -Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh kêu gọi các tổ chức quốc tế, đối tác quốc tế như UNESCO và các đối tác song phương trong hợp tác, bảo tồn di sản văn hóa; đồng thời phát huy, đưa các di sản văn hóa đó vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bộ trưởng cũng ủng hộ Thừa Thiên-Huế tăng cường, kết nối hạ tầng với nước bạn Lào. Hợp tác chặt chẽ, hữu nghị với Lào là định hướng chung hướng đến sự đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.
Về việc hỗ trợ xúc tiến của Thừa Thiên-Huế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu địa phương cần làm việc chặt chẽ với Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) để cụ thể hóa kế hoạch xúc tiến, tổ chức các đoàn sang nước ngoài hoặc tổ chức hoạt động xúc tiến tại địa phương. Đặc biệt, cần ưu tiên, xác định trọng tâm về đối tác, lĩnh vực đầu tư để Bộ hỗ trợ kết nối, mời các đối tác đến địa phương làm việc cụ thể.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương đã báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương trong 7 tháng đầu năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tỉnh đang kết nối với các hãng hàng không mở các đường bay giữa địa phương với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản để tăng cường khách du lịch quốc tế đến Thừa Thiên – Huế. Song song đó, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài sẽ sớm hoàn thiện nâng cấp hạ tầng như mở rộng sân đỗ máy bay, xây lắp thêm cầu dẫn…
Tỉnh mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm quảng bá hình ảnh của tỉnh đến quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch mũi nhọn của địa phương; hỗ trợ giới thiệu các doanh nghiệp, cá nhân có tiềm lực đầu tư cho tỉnh trong thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị, Bộ Ngoại giao hỗ trợ xây dựng tuyến đường từ huyện A Lưới đến cửa khẩu biên giới giáp tỉnh Sê-kông (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) để phát triển tiềm lực giao thương; đồng thời tạo điều kiện kết nối UNESCO và các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Dịp này, Đoàn công tác đã trao tặng 100 triệu đồng cho Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên-Huế và nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng cho hộ gia đình thương binh Ngô Văn Hồng (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế)./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()