Cần vào cuộc đồng bộ
Sự phát triển của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN) đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động.
Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng, nhất là phát triển tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong loại hình doanh nghiệp này còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của các cấp ủy đảng. Thực tế ấy thấy khá rõ ở Vĩnh Phúc, một địa phương có ngành công nghiệp phát triển tương đối mạnh.
Sau khi tổ chức khảo sát tại hai khu công nghiệp Bình Xuyên và Khai Quang, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chủ trương doanh nghiệp nào có ba đảng viên trở lên thì vận động làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng về doanh nghiệp và thành lập chi bộ tại đây. Chi bộ Công ty TNHH Cơ khí chính xác VN1, đơn vị 100% vốn nước ngoài đã ra đời như thế. Lễ ra mắt của chi bộ có các chủ doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có cả chủ doanh nghiệp người nước ngoài tham dự. Từ kinh nghiệm của “điểm sáng” ban đầu ấy, sau năm năm chỉ đạo quyết liệt, toàn tỉnh thành lập mới 23 tổ chức đảng trong tổng số gần 5.700 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Thực tế cho thấy, Vĩnh Phúc có nhiều cách làm bài bản và sáng tạo như tổ chức thành lập các tổ khảo sát do lãnh đạo các sở, ban, ngành có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp làm tổ trưởng, hay phiếu khảo sát được xây dựng phù hợp, in bằng nhiều thứ tiếng (Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản) với từng đối tượng là chủ doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, còn thường xuyên nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, phối hợp các cơ quan chức năng tháo gỡ, song kết quả vẫn chưa như mong đợi.
Lý giải nguyên nhân vì sao việc thành lập tổ chức đảng ở các doanh nghiệp thuộc loại hình này trên địa bàn lại ít như vậy, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Thị Hồng Thủy cho biết: Công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là vấn đề mới và khó.
Vừa làm vừa gỡ khó.
Một số cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhớ lại thời điểm khó khăn khi tiến hành khảo sát các doanh nghiệp.
Công văn làm việc gửi từ trước một tuần, thời gian, nội dung rõ ràng, nhưng để có được buổi làm việc giữa hai bên tổ chức đảng và chủ doanh nghiệp cũng không dễ. Một số chủ doanh nghiệp yêu cầu ký cam kết việc thành lập tổ chức đảng không gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này cho thấy nhận thức của chủ doanh nghiệp về vị trí và vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp còn hạn chế.
Nhìn chung, hoạt động của một số tổ chức đảng trong DNNKVNN rất khó khăn, vì không được chủ doanh nghiệp ủng hộ, hoặc còn vướng mắc vì nhiều lý do. Tại Công ty cổ phần Group Prime (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Hữu Quý chia sẻ: “Là doanh nghiệp có 85% vốn nước ngoài, do vậy, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp là quyền của chủ DN, không nhất thiết phải là đảng viên vẫn được bổ nhiệm”.
Tình trạng nói trên không phải là cá biệt, mà diễn ra ở khá nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài. Công ty TNHH Daewoo Bus Việt Nam (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) có bốn đảng viên. Kế hoạch thành lập chi bộ trong công ty được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và Ban quản lý Khu Công nghiệp tỉnh triển khai đầu năm 2011. Sau nhiều lần làm việc, chủ doanh nghiệp đồng ý thành lập chi bộ tại doanh nghiệp. Nhưng đến khi yêu cầu các đảng viên chuyển sinh hoạt đảng về doanh nghiệp để thành lập chi bộ thì tất cả đều ngập ngừng trì hoãn. Lý do bốn đảng viên đưa ra là hoạt động của doanh nghiệp theo hình thức đơn đặt hàng, lúc có việc, lúc không và nếu như họ không tiếp tục làm việc tại đây nữa thì khi ấy lại phải chuyển sinh hoạt đảng rất phức tạp. Tiếp xúc với nhiều đảng viên, họ chỉ muốn làm công hưởng lương tại doanh nghiệp, còn sinh hoạt đảng thì về nơi cư trú. Theo Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Ninh Viết Thủy, vấn đề đặt ra là cần làm tốt công tác tư tưởng từ cả hai phía: đảng viên và chủ doanh nghiệp.
Mặt khác, việc thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCT.Ư ngày 30-1-2013 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng đang gặp không ít khó khăn. Việc quy định tiêu chí chặt chẽ phải hoàn thành các nghĩa vụ nhà nước như thuế, bảo toàn vốn…, trong thời điểm kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái sẽ là điều rất khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, nên chăng cần nghiên cứu thay đổi một số tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp đối với doanh nghiệp và cá nhân chủ doanh nghiệp.
Về việc thành lập chi bộ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; các cấp ủy hằng năm báo cáo thống kê số lượng đảng viên đang sinh hoạt nơi cư trú làm việc trong các doanh nghiệp, vận động để tiến hành thành lập chi bộ, tổ chức sinh hoạt ghép cho phù hợp.
Nâng cao vai trò tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là việc làm rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của các thành phần kinh tế hiện nay. Để tạo thuận lợi hơn cho việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp, đã có nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung vào Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp quy định, yêu cầu về thành lập tổ chức đảng, đoàn thể và tạo điều kiện cho tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động. Khi chưa được luật hóa, thì ngay trong quá trình chuẩn bị đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền cần có kế hoạch tuyên truyền, vận động và hiệp thương với chủ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng cán bộ, thành lập bộ máy tổ chức cần có đảng viên tham gia; đồng thời tích cực củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, góp phần tạo nguồn kịp thời cho tổ chức đảng…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()