Cần ưu tiên phân bổ ngân sách Nhà nước cho phát triển vaccine COVID-19
Đại biểu cho rằng Chính phủ tiếp tục dành ngân sách cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, tiến tới có thể thực hiện tiêm dịch vụ, mở thêm một kênh nữa để người dân có thể tiếp cận vaccine nhanh hơn.
Sáng ngày 26/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Các đại biểu đã tham gia ý kiến về việc phân bổ ngân sách đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề này.
Dành ngân sách cho vaccine
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nhất trí với nhiều nội dung trong bản quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2019.
Ông cho rằng 2019 là năm đạt nhiều thành tựu, toàn diện nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Mức tăng trưởng trên 6,8%, kiểm soát được lạm phát, thặng dư nhiều, xuất siêu 10.9 tỷ USD (năm 2020, xuất siêu lên đến 19 tỷ USD), tổng thu ngân sách tăng 10,1%.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần tiếp tục phân bổ ngân sách cho việc nghiên cứu, sản xuất vacccine trong nước.
“Tôi rất quan tâm đến tình hình dịch COVID-19. Biến thể Delta lây lan rất nhanh. Đến nay, nước ta đã vượt mốc 100.000 ca bệnh, quan trọng là số ca tử vong đang tăng nhanh trong thời gian ngắn,” ông Ngân nêu vấn đề.
Ông cho rằng việc giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời, có hiệu quả trong thời gian ngắn chứ không thể kéo dài vì sẽ gây ra sang chấn tâm lý rất lớn đối với người dân.
“Chúng ta chỉ có thể trông chờ vào vaccine. Chính phủ đã rất cố gắng huy động vaccine qua các nguồn nhưng hiện nay vẫn còn xa mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số. Do đó, cần quan tâm đến việc sản xuất vaccine tại Việt Nam,” ông Ngân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế, các trung tâm nghiên cứu khoa học đã phát triển hai loại vaccine.
“Trí tuệ con người Việt Nam rất tuyệt vời, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục dành ngân sách cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, tiến tới có thể thực hiện tiêm dịch vụ, mở thêm một kênh nữa để người dân có thể tiếp cận vaccine nhanh và chủ động hơn,” ông nói.
Hiện tổng số vốn ngân sách Trung ương dự kiến bố trí trong dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 13 ngành, lĩnh vực. Trong đó, tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế chiếm 74,1%; kế đến là lĩnh vực quốc phòng, chiếm 7,7%; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8%; văn hóa thông tin 10%.
Theo đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, trong kế hoạch của Chính phủ, việc đầu tư công cho các trường nghề chất lượng cao hơn 8.600 tỷ đồng là còn thấp. Bà cho rằng cần tăng cường ngân sách cho giáo dục đại học và cao đẳng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Tôi cho rằng cần bố trí thêm nguồn ngân sách cho các trường nghề để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo kỹ năng lao động. Cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo nghề chất lượng cao để có nguồn lao động tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của khu vực, nhân lực phục vụ phát triển đất nước,” đại biểu kiến nghị.
Bên cạnh giáo dục, đại biểu Dương Minh Ánh kiến nghị cần tăng nguồn đầu tư cho văn hóa, xây dựng các công trình, thiết chế, di sản văn hóa. Đây là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế gắn với văn hóa, để hài hòa sự phát triển xã hội.
Cần xem xét lại phương án phân bổ ngân sách dựa theo tiêu chí dân số
Góp ý về định mức chi ngân sách 2016-2021, đại biểu Hoàng Thị Đôi (tỉnh Sơn La) cho rằng về cơ bản thì nội dung phù hợp với cả nước tuy nhiên tại các tỉnh miền núi, dân cư thưa thớt thì mức chi này chưa phù hợp, chưa đề cập đến tình hình các xã nghèo, xã biên giới, làng bản vùng cao đặc biệt khó khăn.
Đại biểu đề nghị bổ sung các yếu tố nêu trên, ngoài mức chi bình quân cần cộng thêm các khoản chi cho các vùng đặc thù, với điều kiện không thấp hơn mức chi ngân sách trần cho năm 2020.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Thái Nguyên) đồng tình với ý kiến phân bổ ngân sách. Ông nêu thêm rằng cơ cấu phân bổ ngân sách địa phương dựa theo tiêu chí dân số là chưa phù hợp, cần phải xét đến địa bàn đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng cao, hải đảo…
“Cách phân bổ này không bao trùm, phân định được các xã khó khăn. Năm nay, Chính phủ phê duyệt 3.434 xã khó khăn, theo cách phân bổ này sẽ nhiều nơi không được hưởng định mức ngân sách một cách hợp lý. Tôi đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại bởi ngân sách địa phương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, biên giới,” đại biểu nêu ý kiến./.
Ý kiến ()