Cẩn trọng với cuộc gọi thông báo phạt nguội
– Gọi điện thoại thông báo cho người nghe về việc vi phạm trật tự an toàn giao thông và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản là hình thức lừa đảo mới. Tại Lạng Sơn đã có không ít người dân nhận được cuộc gọi với nội dung này. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, trước khi cung cấp thông tin cá nhân nhất là tài khoản ngân hàng cho người khác.
Thời gian gần đây, không ít người dân trên địa bàn tỉnh nhận được cuộc gọi từ những số điện thoại không xác định tự xưng là đại diện của Cục Cảnh sát giao thông và thông báo về việc phạt nguội. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã tìm hiểu và được biết đây là phương thức mới của đối tượng lừa đảo. Kẻ lừa đảo tự xưng là đại diện Cục Cảnh sát giao thông gọi điện thoại thông báo cho người nghe về việc vi phạm trật tự an toàn giao thông, việc vi phạm này đã được camera của lực lượng chức năng ghi lại và có biên bản phạt nguội, đến nay đã quá thời gian xử lý. Khi người nghe cho biết chưa nhận được biên bản vi phạm, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh Nhân dân/căn cước công dân, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng, địa chỉ thư điện tử… để chúng tra cứu, cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền phạt… cho người nghe. Đồng thời yêu cầu người nghe chuyển tiền nộp phạt.
Cảnh sát giao thông Công an huyện Đình Lập kiểm tra hành chính đối với lái xe tải
Theo Thượng tá Vũ Tiến Đức, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người bị lừa chuyển tiền vào một tài khoản định sẵn hoặc cung cấp mã OTP để xác nhận việc chuyển tiền. Khi người dân cung cấp mã OTP, chúng sẽ đăng nhập vào tài khoản ngân hàng chuyển toàn bộ tiền có trong đó vào tài khoản của chúng. Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ chuyển ra nước ngoài nên rất khó để tra cứu, truy tìm, phong tỏa.
Anh Lưu Đông, trú tại số 10/247, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong tháng 5/2021, tôi nhận được cuộc gọi thông báo về việc vi phạm trật tự an toàn giao thông và đã bị ghi hình, phạt nguội. Người gọi yêu cầu tôi cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền có trong đó và làm theo hướng dẫn. Nhận thấy cuộc gọi này có điều bất thường bởi trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cảnh báo nguy cơ khi cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ nên tôi đã chủ động tắt máy.
Hình thức phạt nguội mới được triển khai, chưa có nhiều người nắm được cụ thể quy trình xử lý nên đối tượng lừa đảo đã lợi dụng để trục lợi. Cùng đó, đối tượng thường lựa chọn thời điểm buổi trưa, chiều lúc nhiều người đang bận rộn để gọi điện thoại. Khi người dân nhận được cuộc gọi thông báo vi phạm như: điều khiển phương tiện quá tốc độ, dừng đỗ tại khu vực cấm, vượt đèn đỏ… sẽ lo lắng, không đủ bình tĩnh để đánh giá sự việc mà cung cấp các thông tin dẫn đến mắc lừa.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh theo dõi thiết bị giám sát an toàn giao thông
Trung tá Nguyễn Cao Huy, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh khẳng định: Cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông và cũng không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Gần đây có một số người dân gọi điện đến trực ban của phòng để hỏi về việc nhận được thông báo phạt nguội qua điện thoại, chúng tôi đã giải thích rõ và khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.
Theo quy định, khi phát hiện lái xe vi phạm trật tự an toàn giao thông thông qua hệ thống giám sát hoặc thiết bị kỹ thuật, cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo bằng văn bản đến chủ xe hoặc người vi phạm. Trong thông báo có ghi rõ đơn vị gửi thông báo, thời gian địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xử lý… kèm theo hình ảnh vi phạm. Quá thời gian này, nếu người vi phạm không đến xử lý, đơn vị sẽ gửi phiếu thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông tới công an xã, phường, thị trấn – nơi người vi phạm, chủ phương tiện cư trú để nhắc nhở, theo dõi việc chấp hành của người vi phạm. Nếu người vi phạm không đến xử lý, đơn vị cảnh sát giao thông sẽ thông báo vi phạm đến các cơ quan kiểm định phương tiện để nếu người vi phạm chưa nộp phạt sẽ không tiến hành kiểm định cho phương tiện. Để biết bản thân có vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông hay không, lái xe, chủ phương tiện có thể đăng nhập vào trang web của Cục Cảnh sát giao thông (csgt.vn) để tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. Theo đó, chủ xe chỉ cần điền biển số xe, loại phương tiện, mã bảo mật sẽ tra cứu được vi phạm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã phát hiện 1.942 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống ghi hình tự động, trong đó đã xử lý 522 trường hợp với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Các trường hợp này đều trực tiếp đến Phòng Cảnh sát giao thông xác nhận hành vi vi phạm và nộp phạt theo quy định. Để không mắc bẫy đối tượng lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác trước những cuộc gọi tự xưng là đại diện của ngành chức năng và yêu cầu người nghe làm theo hướng dẫn của chúng
Ý kiến ()