Cẩn trọng với chính sách điều hành giá
Năm 2013 là năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Mặc dù CPI đã được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong năm 2014.
CPI tăng thấp
Nhìn lại diễn biến CPI năm 2013, chỉ có ba tháng trong năm CPI tăng cao với mức tăng hơn 1%, các tháng còn lại CPI tăng thấp hoặc giảm. Ngay từ đầu năm, tháng 1 và tháng 2, CPI đã tăng vọt lên mức 1,25% và 1,32%, song, mức tăng này thể hiện đúng quy luật thị trường giá cả tăng cao dịp Tết Nguyên đán. Ngay sau đó, CPI bất ngờ giảm 0,19% vào tháng 3-2013, một phần do quy luật thị trường sau Tết. Tuy nhiên, đây không phải là tháng duy nhất trong năm 2013 CPI âm, tới tháng 5, CPI lại tiếp tục giảm 0,06%, chủ yếu do một loạt các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu giảm giá. Sau đó, các tháng tiếp theo, CPI chỉ tăng nhẹ và đến tháng 9-2013, CPI đột ngột tăng cao trở lại với mức tăng 1,06% vì nhiều địa phương cùng điều chỉnh tăng học phí dịp đầu năm học mới. Những tháng cuối năm 2013, CPI cũng chỉ tăng nhẹ, dao động ở mức 0,34% đến 0,51%. Kết thúc năm 2013, CPI dừng lại ở con số tăng 0,64% so với tháng 12-2012. Ðây là mức tăng CPI thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Như vậy, tốc độ tăng CPI năm qua ở mức khá thấp, biến động của chỉ số CPI cũng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay khi tháng có chỉ số CPI tăng cao nhất năm 2013 cũng chỉ đạt 1,32%. Vụ trưởng Thống kê giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Ðức Thắng nhìn nhận, CPI năm qua tăng do một số nguyên nhân chủ yếu. Trước hết, giá một số mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh theo kế hoạch và theo cơ chế thị trường: Trong năm 2013, có 17 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm cho CPI của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 18,97% so với tháng 12-2012, đóng góp vào chỉ số chung cả nước gần 1,1%. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí làm CPI nhóm giáo dục tăng 11,71%, đóng góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng gần 0,7%. Giá xăng dầu được điều chỉnh với bốn đợt tăng giá và sáu đợt giảm giá, dù vậy, cả năm tăng 2,18%. Không chỉ xăng dầu, giá điện điều chỉnh tăng 10%, đóng góp vào CPI chung khoảng 0,25%. Giá ga cả năm qua tăng gần 5%, đóng góp vào CPI cả nước với mức tăng 0,08%. Ngoài ra, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của dân cư và tiêu dùng cho sản xuất tăng vào dịp cuối năm cùng ảnh hưởng của thiên tai, mưa bão… cũng tạo áp lực tăng CPI nói chung.
Theo phân tích của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), lạm phát tuy thấp ổn định nhưng có nguyên nhân do tổng cầu yếu. Thu nhập hạn chế làm người dân “thắt lưng buộc bụng”, vốn thu hẹp làm doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, chi tiêu công hạn chế do chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, làm lượng tiền lưu thông hạn chế, qua đó làm giảm sức ép tăng giá, duy trì mức lạm phát thấp. Việc chỉ số CPI tăng thấp cũng một phần do giá lương thực, thực phẩm thời gian qua tăng không nhiều, thậm chí có thời điểm còn giảm nhẹ. Với việc ngành hàng này chiếm gần 40% tỷ trọng trong rổ hàng hóa tính CPI thì giá lương thực, thực phẩm không tăng nhiều cũng là nguyên nhân giảm lạm phát. Trong khi đó, những mặt hàng dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục lại có mức biến động rất lớn. Bên cạnh đó, lương và giá cả nhiều mặt hàng đầu vào quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng như xăng, điện, ga… vẫn liên tục điều chỉnh theo hướng tăng chính là yếu tố gây sức ép tăng giá.
Không chủ quan với lạm phát
Dự báo CPI năm 2014, Vụ trưởng Nguyễn Ðức Thắng cho rằng, CPI tiếp tục tăng nhưng tăng không quá cao. CPI năm 2014 sẽ chịu sức ép tăng do việc phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ làm tăng lượng cung tiền ra thị trường; việc nới lỏng tỷ lệ bội chi ngân sách để hỗ trợ tăng trưởng cùng với lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, điện và nước trong năm 2014… Lạm phát năm qua ở mức an toàn nhưng còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Sự ổn định của lạm phát không hề chắc chắn ngay cả khi đã ở mức thấp, vì vậy, điều quan trọng là Chính phủ cần cam kết sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cho kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, giữ tăng trưởng ở mức hợp lý, chứ không thể chủ quan với chỉ số lạm phát hiện tại.
Có thể thấy, biến động giá cả các nhóm ngành hàng trong thời gian gần đây có nhiều thay đổi. Những nhóm hàng truyền thống có ảnh hưởng mạnh đến mặt bằng giá cả trước đây như nhóm lương thực, thực phẩm, hàng ăn uống thì thời gian qua tăng khá thấp (so với CPI chung). Tuy nhiên, do nhóm này có tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính CPI (chiếm gần 40%), nên chỉ một tác động tăng giá nhỏ của nhóm hàng này cũng có tác động mạnh làm tăng mặt bằng giá cả chung của nền kinh tế. Thời gian gần đây, càng gần sát Tết Nguyên đán, giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm đã có dấu hiệu tăng mạnh trên thị trường. Vì vậy, việc kiểm soát giá cả các mặt hàng này, bảo đảm cân đối cung – cầu, tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá là việc làm cấp bách. Ngăn chặn ngay đà tăng giá từ những tháng đầu năm 2014 sẽ góp phần kiểm soát được CPI của cả năm nay.
Từ diễn biến CPI năm qua, một điểm khác cần chú ý trong năm 2014 là việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu. Việc tăng giá theo lộ trình thị trường trong thời gian tới vẫn sẽ làm tăng CPI chung và các ngành hàng. Vì thế, vẫn cần chú ý những tác động khi tăng giá, đặc biệt là thời điểm và mức độ ảnh hưởng của chính sách đến giá cả chung và các nhóm ngành, tránh gây tác động cộng dồn gây sức ép đến CPI. Ðặc biệt là những quyết định tăng giá gây ảnh hưởng đến những ngành hàng đang có mức tăng cao thời điểm hiện tại như nhóm thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; may mặc, mũ nón, giày dép. Hay những ngành có tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính CPI như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), tăng giá điện sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở và vật liệu xây dựng…; tăng lương ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành giáo dục, y tế và ăn uống; tăng giá dịch vụ y tế tác động đến nhóm ngành thuốc và dịch vụ y tế… Vì vậy, trong chính sách điều hành giá cần cân nhắc ảnh hưởng khác nhau đối với từng nhóm ngành hàng cụ thể. Tránh những điều hành giá cả tập trung vào vài ngành trong cùng một thời điểm, gây tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành này, đồng thời làm giá cả của ngành hàng này tăng đột ngột, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động tiêu cực đến đời sống người dân cũng như nguy cơ tạo hiệu ứng tâm lý tăng giá theo dây chuyền, làm ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2014.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()