Cẩn trọng với các ứng dụng giả mạo ChatGPT trên di động
Ngay khi ChatGPT của OpenAI làm mưa làm gió trên các diễn đàn công nghệ, thu hút sự chú ý của hàng triệu người thì trên các nền tảng di động lớn, hàng loạt các ứng dụng giả mạo cũng đồng loạt xuất hiện.
Một số ứng dụng có tên ChatGPT trên CH Play. |
Cơn sốt tài khoản ChatGPT
ChatGPT là một chatbot được hỗ trợ bởi AI, được lập trình để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người. Phần mềm này được phát hành vào cuối tháng 11/2022.
ChatGPT sử dụng công nghệ ngôn ngữ GPT-3.5 – một mô hình trí tuệ nhân tạo do chính OpenAI tạo ra, được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản từ nhiều nguồn khác nhau.
Samuel H. Altman cha đẻ của ChatGPT, cho biết chatbot này đã đạt mốc 1 triệu người dùng sau 1 tuần phát hành. Hiện ChatGPT vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, người dùng có thể đăng ký dùng thử miễn phí. Sau đó, họ sẽ phải trả tiền để sử dụng một số tính năng trên chatbot này.
Sở dĩ ChatGPT làm mưa làm gió ngay khi xuất hiện bởi không như nhiều chatbot chỉ có thể trả lời các câu hỏi cơ bản, ChatGPT có khả năng thực hiện đối thoại với người lạ, trả lời câu hỏi, viết thơ, văn, kịch bản, bài luận… Bên cạnh đó, chatbot này còn có thể giải thích nhiều câu hỏi phức tạp như người thật, hay giúp các lập trình viên tìm lỗi trong mã họ viết.
ChatGPT có thể được đào tạo dựa trên phản hồi của người dùng. Đây được đánh giá là điểm vượt trội của chatbot này. |
Điều ấn tượng nhất khiến cho ChatGPT trở nên nổi tiếng là khả năng hiểu và sử dụng ngữ cảnh. AI này có thể thực hiện các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên như con người. Do đó, ChatGPT có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện dài và khiến người dùng có cảm giác như đang thực sự nói chuyện với một người, chứ không phải với một cỗ máy.
Đặc biệt, ChatGPT có thể được đào tạo bằng cách sử dụng phản hồi của người dùng. Công nghệ này sẽ xác định được mong muốn của mỗi nhân vật trước khi đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, không ít nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại về tính chính xác trong các câu trả lời của chatbot này. Thực tế qua khảo sát của phóng viên, ChatGPT đôi khi viết ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Chất lượng và độ chính xác của câu trả lời do hệ thống tạo ra cũng phụ thuộc rất lớn vào quá trình đào tạo AI từ nguồn dữ liệu đầu vào.
Trong danh sách các quốc gia khả dụng của OpenAI hiện chưa có tên Việt Nam. Do đó, cách thức đăng nhập vào hệ thống này từ Việt Nam khá phức tạp. Do vậy, trên nhiều diễn đàn về công nghệ đã xuất hiện một đội ngũ sẵn sàng đăng ký hộ tài khoản ChatGPT với giá dao động từ 20-50 nghìn đồng.
“Hỗ trợ tạo nick qua mail chính chủ. Phí chỉ ly cafe”; “Bán tài khoản ChatGPT, giá chỉ 15 nghìn đồng”…
Đó là một loạt những tin nhắn trên diễn đàn mang tên Hội ChatGPT Việt Nam. Một số thành viên thậm chí còn công khai một list tài khoản kèm pass hoàn toàn miễn phí cho các thành viên sử dụng. Hầu hết các bài đăng như trên đều nhận được sự tương tác và quan tâm rất lớn từ cộng đồng.
Giao diện ChatGPT trên máy tính báo lỗi mặc dù tác giả đã đăng nhập tài khoản thành công. |
A. Trần, một lập trình viên tự do cho biết: Khó khăn lớn nhất khiến người dùng khó đăng ký là do hiện nay ChatGPT không cho phép tạo tài khoản ở Việt Nam. Do đó, người dùng buộc phải đổi đổi địa chỉ IP.
“Thao tác này chỉ cần thực hiện khi tạo tài khoản ban đầu. Hiện có rất nhiều công cụ hỗ trợ thao tác này”, A. Trần cho biết.
Sau khi qua được bước này, người dùng sẽ được dẫn tới một platform để đăng ký thông qua tài khoản email. Người dùng kích hoạt email sẽ được yêu cầu xác thực số điện thoại.
Ngay cả khi đã đăng nhập thành công, lỗi kết nối cũng thường xuyên xảy ra với người dùng từ Việt Nam. |
“Đến bước này, chúng ta sẽ cần một số điện thoại nước ngoài để nhận OTP. Hiện có nhiều dịch vụ cho thuê số điện thoại nước ngoài hoặc nhận SMS online với giá rẻ và rất dễ sử dụng. Sau khi thuê xong số điện thoại, OTP sẽ được gửi về. Nhập mã này vào trang đăng ký của OpenAI là hoàn tất”, lập trình viên giải thích thêm.
Tuy nhiên, cũng theo lập trình viên này, trong ngày 2/2, việc đăng ký tài khoản mới đã khó khăn hơn rất nhiều và phải mất từ 1-2 tiếng mới có thể thành công “qua mắt được Open AI”.
Cẩn trọng với các ứng dụng giả mạo trên di động
Một thông tin người dùng cần lưu ý: Hiện ChatGPT mới trong giai đoạn phát triển và chỉ có thể truy cập thông qua trang web của OpenAI và hoàn toàn không có ứng dụng dành cho các thiết bị di động. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều phần mềm giả mạo, “na ná” ChatGPT đã xuất hiện tràn lan trên các cửa hàng trực tuyến của App Store hay CH Play.
Cụ thể, khi truy cập vào CH Play (dành cho hệ điều hành Androi), sau khi gõ từ khóa ChatGPT, ngay lập tức xuất hiện một danh sách các ứng dụng liên quan như ChatGPT, ChatGPT3… Tiếp tục lựa chọn một ứng dụng mang tên ChatGPT-Chat with GPT AI, phóng viên phát hiện đã có trên 100 nghìn lượt tải xuống. Sau khi tải thành công, người dùng buộc phải bỏ ra từ 25-249 nghìn đồng để trải nghiệm ứng dụng này.
Nhà cung cấp được xác định là M… Agency. Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên xác định, M… Agency là một nhà phát triển ứng dụng cho điện thoại Android mới hoạt động từ năm 2021 và mới đưa… 4 phần mềm lên CH Play, trong đó có 2 ứng dụng về video, 1 ứng dụng liên quan đến Whatsapp và ứng dụng mang tên ChatGPT.
Tiếp tục thử ứng dụng Open Chat – GPT AI Chatbot với hơn 1 triệu lượt tải, tình trạng tương tự lại xuất hiện khi người dùng được yêu cầu phải trả tiền để sử dụng. Mức phí cụ thể là 118 nghìn đồng/tuần; 211 nghìn/tháng hoặc 1,4 triệu đồng trọn gói.
Một ứng dụng AI Chat GPT trên AppStore yêu cầu người dùng phải trả tiền để sử dụng. Đáng chú ý, ứng dụng này cho phép theo dõi người dùng trên các ứng dụng và trang web khác do nhà phát hành sở hữu. |
Đối với điện thoại dùng hệ điều hành IOS, một loạt ứng dụng mang tên ChatGPT cũng xuất hiện trên AppStore và có lượt tải rất cao từ cộng đồng. Tuy nhiên, tương tự như đối với CH Play, hầu hết các ứng dụng đều bắt buộc phải trả phí để sử dụng.
Các chuyên gia về bảo mật lo ngại: Việc xuất hiện một loạt ứng dụng giả mạo, ăn theo ChatGPT sẽ không chỉ “rút túi” người sử dụng mà còn có khả năng ẩn chứa các mã độc, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Thực tế, điều này không hề mới. Trước đó, từ cuối năm 2021, Một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty an ninh mạng ThreatFainst cho thấy nhiều ứng dụng (app) có chứa mã độc tồn tại trên cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di dộng (CH Play) có thể đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng.
Với các ứng dụng giả mạo, người dùng rất dễ gặp phải các rủi ro không đáng có liên quan đến vấn đề bảo mật. (Ảnh minh họa) |
Theo các chuyên gia bảo mật tại ThreatFainst, những mã độc này thuộc loại “trojan droppers”. Vì thế, hệ thống quét virus của CH Play đã không thể phát hiện ra chúng. Những mã độc này được ngụy trang thành một số loại phần mềm như ứng dụng quét mã QR, ứng dụng đọc tập tin PDF hay ví tiền điện tử. Ước tính, có hơn 300.000 thiết bị đã bị ảnh hưởng bởi các mã độc này. Nếu cài đặt các app này trên điện thoại di động, thì những mã độc có thể lấy cắp mật khẩu ngân hàng hoặc mã xác thực của nạn nhân. Chúng thậm chí còn ghi lại thao tác từ bàn phím và âm thầm chụp ảnh màn hình thiết bị.
Theo Nhandan
Ý kiến ()