Cẩn trọng trước dịch đau mắt đỏ lúc giao mùa
– Thời gian gần đây, các cơ sở y tế trong tỉnh tiếp nhận số lượng người dân đến khám và điều trị bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ với số lượng tương đối cao. Đây là loại bệnh khá phổ biến, có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch.
Bệnh nhân đến khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Đầu tháng 9/2023, con gái chị Nguyễn Thị Tuyến, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn là cháu Nguyễn Kim Ngân (6 tuổi) có các dấu hiệu như đau mắt, đỏ mắt, nước mắt chảy liên tục nên chị đã đưa con đến bệnh viện để khám, điều trị và được biết con gái mình bị đau mắt đỏ. Chị Tuyến cho biết: Ban đầu khi mới bị đau mắt, cháu có biểu hiện ngứa, chảy nước mắt nên gia đình chỉ nhỏ nước muối sinh lý. Sau đó 2 – 3 ngày tình trạng cháu không tiến triển nên tôi đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được khám và điều trị.
Cháu Ngân chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân bị bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số lượng bệnh nhân đến khám do bị đau mắt đỏ tăng mạnh so với thời gian trước. Nếu như năm 2022, khoa điều trị 561 ca bệnh đau mắt đỏ thì từ đầu năm 2023 đến nay đã có gần 500 ca, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, chỉ tính riêng từ tháng 8/2023 đến nay đã có hơn 150 ca bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị gồm cả người lớn và trẻ em. Đây chỉ là số lượng thống kê rất nhỏ trong tổng số những người đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh, bởi khi đau mắt đỏ, đa số các trường hợp sẽ tự điều trị tại nhà hoặc đến các phòng khám tư nhân để thăm khám.
“Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời gian trong năm nhưng thường gia tăng vào thời điểm giao mùa.” Bác sĩ Bạch Ngọc Sỹ – Trưởng Khoa Mắt, |
Bác sĩ Bạch Ngọc Sỹ – Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời gian trong năm nhưng thường gia tăng vào thời điểm giao mùa. Thời điểm này, chúng tôi thường xuyên tiếp nhận cả trẻ em và người lớn bị bệnh đau mắt đỏ. Có nhiều tác nhân gây bệnh như có thể do vi khuẩn hoặc vi rút gây nên nhưng phổ biến nhất là do một loại vi rút có tên Adenovirus.
Theo đó, khi bị nhiễm bệnh, phần tròng trắng (bề mặt nhãn cầu) của người bệnh có màu hồng nhạt hoặc hơi đỏ, mí mắt sưng húp và rủ xuống. Mắt bị viêm có chất lỏng chảy ra hoặc đóng vảy trên lông mi, mí mắt. Đồng thời, mắt bệnh nhân thường có những triệu chứng như: ngứa hoặc cộm; tiết nhiều dịch; nhạy cảm với ánh sáng; đóng màng, gỉ mắt sau khi thức dậy… Ngoài các biểu hiện trên, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ.
Do tác nhân chủ yếu của bệnh là bởi vi rút nên bệnh rất dễ lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch lớn trong cộng đồng. Cụ thể, bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn, hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh…
Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, bác sỹ Bạch Ngọc Sỹ khuyến cáo, người dân nên hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; dùng riêng đồ dùng cá nhân, mang mắt kính che bụi khi ra đường, rửa mắt với dung dịch nước muối sinh lý 0,9% 3 lần/ngày… Đối với người bị đau mắt đỏ nên hạn chế giao tiếp để tránh lây lan bệnh cho cộng đồng và nên đến chuyên khoa mắt để được thăm khám, điều trị kịp thời. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt bởi nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực. Bên cạnh đó, tuyệt đối không sử dụng những biện pháp dân gian như dùng lá trầu không, lá dâu tằm hơ nóng đắp lên mắt hoặc dùng sữa mẹ nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh… bởi những biện pháp này sẽ làm bệnh nặng và có những biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Ý kiến ()