Cẩn trọng khi tự phát mở rộng diện tích trồng ớt
(LSO) – Vụ hè thu 2019, có thời điểm giá ớt lên đến 100.000 đồng/kg nên vụ đông xuân này, nhiều nông dân ở một số nơi trên địa bàn huyện Lộc Bình ồ ạt xuống giống trồng ớt. Tình trạng này có thể khiến cung vượt cầu, bởi từ nhiều năm nay, thị trường tiêu thụ chính của cây ớt vẫn là Trung Quốc, vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Những ngày cuối năm, nông dân ở các xã Yên Khoái, Khuất xá, Đồng Bục, Tú Đoạn, Vân Mộng, Sàn Viên, thị trấn Na Dương … của huyện Lộc Bình đang hối hả làm đất để trồng ớt vụ đông xuân.
Tại Yên Khoái – một trong những xã có diện tích trồng ớt nhiều của huyện Lộc Bình, hiện nay, nông dân đã bắt đầu trồng ớt. Loay hoay lên luống ớt của mình, chị Hoàng Thị Thoa, thôn Long Đầu, xã Yên Khoái cho biết: “Năm nay mọi người ồ ạt trồng ớt vì vụ trước giá ớt tăng vọt, có lúc lên đến 100.000 đồng/kg. Tôi nhẩm tính, chỉ cần giá ớt giữ cao như vậy trong khoảng 15 ngày thôi là nông dân đã trúng đậm rồi. Vụ này, gia đình tôi gieo 5 túi hạt giống ớt, còn các hộ khác gieo ít nhất cũng 2 – 3 túi hạt giống, nhà nhiều trên 10 túi. Biết phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là rất rủi ro, nhưng gia đình vẫn trồng gấp đôi so với vụ trước, vì nếu được giá sẽ lãi to so với các loại rau màu khác”.
Người dân thôn Khòn Miện, xã Đồng Bục chăm sóc diện tích ớt mới trồng
Anh Đinh Văn Trọng, thôn Bản Khoai, xã yên Khoái là người chuyên thu mua ớt quả và bán hạt giống cho người dân trong xã cho biết: Vụ trước, tôi chỉ bán được hơn 100 túi hạt ớt giống, nhưng vụ này, tôi đã bán được trên 500 túi hạt giống. Ngoài ra, bà con còn mua ở những đại lý khác trong xã hoặc ở chợ phiên. Trung bình 1 túi hạt giống ớt gieo được khoảng 1.000 cây (1 sào trồng được khoảng 600-700 cây ớt).
Ớt là loại cây trồng không nằm trong “danh mục” được ngành chức năng khuyến khích trồng đại trà vì 80% sản lượng ớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nông dân trong huyện Lộc Bình vẫn còn xem nhẹ khuyến cáo của ngành chức năng. Chị Hoàng Thị Vân, một hộ dân trồng ớt ở thôn Khòn Miện, xã Đồng Bục cho biết: Vụ hè thu nhiều hộ trong xã chỉ trồng 3-5 sào ớt cũng thu về 100 – 200 triệu đồng; gia đình tôi trồng hơn 1 sào, thu được 50 triệu đồng. Nhưng đó là lúc trúng mùa, được giá. Còn với tình hình “mạnh ai nấy trồng” như hiện nay, đến khi thu hoạch, thương lái không mua thì chẳng biết bán đi đâu, nhưng giờ “đâm lao thì phải theo lao”, vì tiền công làm đất, giống và phân bón đầu tư trồng 6 sào ớt năm nay của gia đình đã “ngốn” hết 3 triệu đồng. Trồng mà lo, lo nhưng vẫn trồng.
Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Phòng đang thống kê diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện. Vụ trước, có thời điểm giá ớt cao nên vụ này, nông dân đầu tư vốn liếng, công sức để trồng loại cây này. Tuy nhiên, huyện không khuyến khích nông dân trồng ớt ồ ạt bởi giá cả bấp bênh, đầu ra phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, và một khi thương lái “cầm trịch” về giá cả thì nông dân không nên đặt niềm tin vào họ. Tuyên truyền là vậy nhưng người dân vẫn đổ xô trồng.
Trong các năm: 2011, 2013, 2017, 2018, có thời điểm giá ớt trên địa bàn huyện Lộc Bình xuống thấp chỉ từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, thậm chí có ngày thương lái ngừng thu mua, người dân đành để ớt rụng ngoài đồng. Đó là bài học đắt giá từ những năm trước, còn hiện tại, họ vẫn đang tất bật làm đất để trồng ớt vụ đông xuân sớm hơn mọi năm 2 tháng, bất chấp cây ớt có thể bị chết do sương muối hay bị bệnh do trồng trái vụ để tìm “vận may” ớt được giá như vụ vừa qua.
Ý kiến ()