Cẩn trọng khi tái đàn vật nuôi
(LSO) – Thời gian qua, 9/11 huyện, thành phố trong tỉnh xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn lợn; cùng với đó là bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại một số tình, thành trong nước. Hiện nay là thời điểm nhu cầu tái đàn vật nuôi của người dân tăng cao. Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển tốt, cấp chính quyền, ngành chức năng chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng khi tái đàn, nhất là đàn lợn.
Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 125 nghìn con trâu, bò; trên 293 nghìn con lợn; trên 4,1 triệu con gia cầm. Số đàn lợn, gia cầm, trâu bò đều giảm so với cùng kỳ 2018, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của nhân dân trong dịp tết vừa qua. Hiện, nhu cầu tái đàn của người dân tăng cao. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là đàn lợn có diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 2/2019, có 9/11 huyện, thành phố (gồm 150 hộ/83 thôn/45 xã) phát sinh ổ dịch, bệnh LMLM trên đàn lợn, với gần 1.200 con mắc. Nguyên nhân phát sinh các ổ dịch chủ yếu do việc vận chuyển lợn thịt, lợn con giống đã ủ bệnh, nhiễm bệnh ở một số tỉnh đang xảy ra dịch bệnh vào địa bàn.
Người dân xã Hòa Lạc (Hữu Lũng) chăm sóc đàn lợn
Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay, mặc dù tại các ổ dịch đã phát sinh, sau khi triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định (tiêu hủy lợn mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây…) cơ bản ổn định, không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi là điều kiện để vi rút phát sinh mạnh, sức đề kháng của vật nuôi giảm; bên cạnh đó nhu cầu tiêu thụ thịt lợn vào các hoạt động lễ hội đầu năm, nên dịch bệnh vẫn có khả năng phát tán và lây lan. Cùng với đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành của Việt Nam; Lạng Sơn là tỉnh có 5 huyện biên giới, tiếp giáp với Trung Quốc – nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi từ Trung Quốc vào địa bàn là rất cao. Vì vậy, người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn thời điểm này, vì nguy cơ rủi ro cao.
Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển, hạn chế, không xảy ra dịch bệnh, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản khuyến cáo công tác tái đàn chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển động vật trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện Hữu Lũng, cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai văn bản chỉ đạo của UBND huyện về khuyến cáo việc tái đàn chăn nuôi, đặc biệt là lợn, công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển động vật trên địa bàn huyện. Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Từ cuối tháng 12/2018, trên địa bàn huyện phát sinh một số ổ dịch LMLM trên đàn lợn. Đến nay, dịch bệnh đã được khống chế, không phát sinh thêm ổ dịch mới. Tuy vậy, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn ở mức cao, trung tâm chỉ đạo thú y viên các xã, thị trấn tuyên truyền người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn; khi tái đàn cần lựa chọn con giống to, khỏe, có nguồn gốc rõ ràng và có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chuyên môn. Cùng với đó, tuyên truyền đến người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: tiêm phòng định kỳ, vệ sinh chuồng trại, khi phát hiện đàn vật nuôi có biểu hiện bệnh cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Không chỉ Hữu Lũng, hiện UBND các huyện, thành phố đều có văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn khuyến cáo công tác tái đàn, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, chống xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn.
Ngoài sự vào cuộc của cấp chính quyền, ngành chức năng, thì người chăn nuôi cần chủ động, phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc tái đàn vật nuôi; phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lây nhiễm cao. Qua đó, đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định, hiệu quả.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()