Cẩn trọng khi mua sắm thiết bị phòng cháy, chữa cháy
Thời gian qua, tại các tỉnh, thành phố liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Trong đó có những vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà trọ làm nhiều người chết, bị thương. Trước tình trạng nêu trên, nhiều người dân đã không tiếc tiền mua sắm các thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho gia đình, như: Mặt nạ phòng độc khói, thang dây, bình cứu hỏa… Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết này, một số chủ cửa hàng đã nhập các thiết bị PCCC kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời.
Vừa qua, khi kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, các cán bộ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ hơn 200 bình bột chữa cháy không kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo lời trình bày của chủ cơ sở kinh doanh, các sản phẩm này được thu mua trôi nổi trên thị trường cho nên không có tem, nhãn mác kiểm định chất lượng. Trước đó, khi kiểm tra đột xuất một kho hàng tại Khu công nghiệp Ngọc Hồi-xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, các cán bộ của đơn vị nêu trên phối hợp Công an huyện Thanh Trì phát hiện và thu giữ khoảng 400 mặt nạ phòng độc có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng nêu trên… Đây là hai trong số rất nhiều vụ việc liên quan bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, nhưng qua đó cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu kiểm soát trong mua bán, sử dụng các sản phẩm PCCC không bảo đảm chất lượng.
Thông tin bước đầu từ các cơ quan chức năng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra khoảng 2.527 vụ cháy, làm chết 76 người, bị thương 55 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 139 tỷ đồng.
Trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, khiến nhu cầu mua sắm các thiết bị PCCC cho gia đình tăng cao, nhiều chủ cửa hàng liều lĩnh nhập những hàng hóa không bảo đảm chất lượng về bán kiếm lời. Điều này không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng khi bỏ tiền thật lại mua phải hàng không tốt.
Tại Hà Nội, các thiết bị này không chỉ được bày bán tại các cửa hàng kinh doanh khu vực các phố Lê Duẩn, Yết Kiêu, Nguyễn Du,… mà còn được bày bán công khai trên các trang mạng xã hội. Kèm theo đó là những lời quảng cáo hút khách, như: “tiền nào thì của đó”, “mua hàng nội địa hay nhập khẩu là do bạn quyết định”.
Chỉ cần gõ cụm từ “mặt nạ phòng cháy”, “thang dây” để vào các trang mạng tìm kiếm sản phẩm sẽ cho kết quả nhiều hội nhóm, cá nhân rao bán với đủ chủng loại, mẫu mã, giá cả… Nếu khách hàng có nhu cầu mua thì các chủ cửa hàng đều tư vấn chu đáo, nhiệt tình. Còn tại những sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Sendo,… các sản phẩm này cũng được bày bán rất đa dạng, phong phú. Thí dụ, mặt nạ phòng độc trước đây có giá khoảng 60 nghìn đồng thì nay khoảng 100 nghìn đồng, có nơi bán 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/cái. Thang dây
thoát hiểm cũng dao động từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cái tùy theo chất liệu và độ dài của thang… “Khi chứng kiến những vụ cháy thương tâm xảy ra, tôi đã mua rất nhiều vật dụng để PCCC trong gia đình, như: Bình chữa cháy, thang dây thoát hiểm… Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm như thế nào thì mình cũng không biết” - anh Nguyễn Đức Tâm ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán các sản phẩm PCCC kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lãnh đạo Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) đã ban hành văn bản yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường nắm bắt tình hình địa bàn, rà soát, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm kinh doanh đối với sản phẩm thuộc trang thiết bị PCCC như các loại bình xịt cứu hỏa, mặt nạ chống khói, thang dây.
Cùng với đó, lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ; phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) đối với tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như trên theo quy định của pháp luật.
Theo Thượng tá Nguyễn Kim Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Yên Bái, các thiết bị PCCC là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các cơ sở muốn kinh doanh mặt hàng này phải bảo đảm các điều kiện theo các quy định của pháp luật.
Đồng thời, phải được Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, thành phố cấp giấy phép kinh doanh. Do đó, các thiết bị PCCC và nhất là các loại bình cứu hỏa không có tem mác xuất xứ, tem kiểm định chất lượng đều không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Trường hợp xảy ra cháy nổ, nếu sử dụng những thiết bị chữa cháy kém chất lượng, không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng, mà còn làm tăng nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.
Do đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi mua bán thiết bị PCCC không đạt chuẩn, thì việc thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này cũng vô cùng quan trọng.
Để tránh mua phải thiết bị PCCC không bảo đảm chất lượng, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ sản phẩm thông qua tem kiểm định chất lượng, thời hạn sử dụng dán trên sản phẩm. Bởi các thiết bị PCCC được kiểm định chất lượng mới bảo đảm an toàn khi sử dụng.
Khách hàng không nên mua hàng trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, chất lượng kém sẽ gây nguy hiểm khi sử dụng. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn khi sử dụng các bình chữa cháy, các gia đình nên thay mới khi hết thời hạn sử dụng ghi trên sản phẩm. Hơn nữa vỏ bình làm bằng kim loại sau thời gian 2 đến 3 năm thường bị rỉ sét, xì hơi, không còn khả năng chữa cháy. Người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể lựa chọn được loại trang thiết bị PCCC phù hợp, bảo đảm chất lượng để sử dụng.
Ý kiến ()