Cẩn trọng, đề phòng tai nạn do rắn cắn
– Từ đầu tháng 4 đến hết tháng 10 hằng năm là thời điểm các loài rắn kiếm ăn, ghép đôi để sinh sản nên chúng rất dữ. Theo tổng hợp của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, có đến trên 80% số vụ tai nạn do rắn cắn rơi vào khoảng thời gian này trong năm, do đó người dân cần thận trọng và có các biện pháp phòng, tránh, biết cách tự sơ cứu khi bị rắn cắn.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Kiểm lâm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 loài rắn, trong đó gần 30 loài có độc. Có thể kể đến như: rắn cạp nong, cạp nia bắc, hổ mang chúa, rắn lục sừng… Địa bàn sinh sống của rắn trải rộng từ vùng đồng cỏ đến các khu rừng.
Vào cuối tháng 3/2021, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã tiếp nhận và điều trị 2 bệnh nhân tại thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc bị rắn cắn trong khi đang canh tác nông, lâm nghiệp. Số liệu năm 2020 cũng cho thấy: trong tổng số 69 vụ nhiễm độc do rắn cắn trong năm, thì có đến 59 vụ diễn ra trong thời gian từ đầu tháng 4 đến hết tháng 10, chiếm 85,5%.
Chủ hộ nuôi rắn hổ mang tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng thông tin về một số tập tính của rắn
Bà Hoàng Thị Tăng, trú xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng – một người có kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang gần 10 năm cho biết: Từ tháng 4, khi thời tiết ấm lên, rắn bắt đầu rời hang sau thời gian dài trú đông. Chúng thường xuyên ra ngoài để kiếm mồi trong thời gian này để bù đắp năng lượng và chuẩn bị cho giai đoạn ghép đôi, sinh sản từ tháng 5 đến tháng 9. Chúng rất dữ trong giai đoạn này và sẵn sàng tấn công người nếu bị đe doạ.
Thực tế cho thấy, việc người dân bị rắn cắn khi canh tác nông, lâm nghiệp những năm qua xảy ra khá thường xuyên. Khi bị rắn cắn, nhiều người đã chọn cách áp dụng các biện pháp dân gian như: cắt, rạch vết thương để nặn máu độc, tìm các loại lá rừng đắp lên hoặc tìm thầy lang để dùng thuốc “gia truyền”, hay sử dụng một số cách chữa mẹo…
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ BVĐK tỉnh, những biện pháp trên thường không có căn cứ và dễ biến chứng. Đơn cử, việc tự cắt, rạch có thể làm nhiễm trùng vết thương; độc của một số loài rắn còn có thể khiến máu khó đông, gây mất máu nếu vết thương quá lớn; hay việc vận động có thể khiến độc theo máu lên tim gây nguy hiểm đến tính mạng…
Bác sĩ Dương Tuấn Minh, Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, BVĐK tỉnh cho biết: Trong trường hợp bị rắn cắn, người dân cần bình tĩnh xử lý vết thương. Vết cắn của rắn độc thường hiện 2 dấu răng nanh khá rõ, có thể xử lý ngay bằng cách bóp, nặn máu độc với nước (hiệu quả hơn với nước ấm) trong vài phút. Đối với vết cắn của rắn lục thì không cần băng ép, song với họ rắn hổ (hổ mang, cạp nong, cạp nia…) thì phải băng ép vết thương bằng vải, quấn từ vết cắn lên đến gốc chi (không cần quá chặt) để ngăn máu độc đi lên. Sau đó, đưa người bệnh đến ngay bệnh viện gần nhất.
Bên cạnh các biện pháp sơ, cấp cứu, người dân cũng cần có những biện pháp phòng, tránh, hạn chế tối đa việc để rắn cắn. Qua trao đổi, các cán bộ Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, BVĐK tỉnh đều khuyến cáo người dân khi canh tác nông, lâm nghiệp nên mặc đồ bảo hộ lao động, nhất là đeo găng tay, đi ủng để bảo vệ vùng tay, chân, vốn là nơi dễ tiếp xúc với rắn nhất. Khi canh tác ở những khu vực thường xuất hiện rắn như: các triền đồi, núi, rừng nhiều cây bụi… thì nên mang theo nhiều nước và băng gạc hoặc một cuộn vải rộng 5 đến 10 cm, dài 3m để tiện cho việc sơ cứu… Qua đó, hạn chế tối đa việc nhiễm độc do rắn cắn.
ĐẶNG DŨNG
Ý kiến ()