Cẩn trọng bị lừa khi đi khiếu kiện
(LSO) – Những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều trường hợp do chủ quan, không tuân thủ quy trình, thủ tục, thiếu cẩn trọng dẫn tới bị hại khi đi khiếu kiện.
Tháng 12/2018, lợi dụng một nhóm người dân ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn tập trung tại Hà Nội để khiếu kiện liên quan tới dự án quy hoạch, phát triển thành phố Lạng Sơn, Nguyễn Khắc V, sinh năm 1988, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhóm người dân này.
Tòa án Nhân dân thành phố Lạng Sơn xét xử 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Để tạo lòng tin, V tự xưng là cháu ruột của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và sử dụng một số giấy tờ giả mạo là cán bộ Ban Phòng, chống tham nhũng Trung ương, được Bộ Nội vụ và Bộ Công an giao giải quyết vụ việc, hứa sẽ giải quyết theo hướng thuận lợi cho bà con. V còn hứa sẽ phát cho mỗi người 1 thẻ từ để ra vào cổng gặp trực tiếp lãnh đạo cấp cao. Bằng thủ đoạn này, V nhiều lần tiếp xúc, tìm cách thu của 36 người tham gia khiếu kiện tổng số tiền 21,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, V vứt hết giấy tờ của mọi người đi, mang 14 triệu đồng gửi vào tài khoản của mình, còn lại tiêu sài cá nhân hết. Đến cuối tháng 12/2018, khi V đến thành phố Lạng Sơn để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo thì bị phát giác và bắt giữ. Đầu tháng 5/2019, Tòa án Nhân dân thành phố Lạng Sơn đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên mức án nghiêm khắc với bị cáo V về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với ông Giáp Thanh Long, Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Lạng Sơn, được biết: Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng, trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay, tòa đã đưa ra xét xử gần 10 vụ, với tính chất, mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hành vi, thủ đoạn mạo danh để lừa đảo như trong vụ án trên là lần đầu tiên.
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Lạng Sơn, để không trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này, cũng như góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trước hết, người dân cần tuân thủ các trình tự, thủ tục về khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, người dân cần tỉnh táo, tránh nhẹ dạ, cả tin, cảnh giác với người tự xưng danh, hứa hẹn giải quyết sự việc; không vì lợi ích của mình mà tạo cơ hội cho người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng đã và đang tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nhằm cảnh báo, đề phòng xảy ra vụ việc tương tự. Chẳng hạn, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp phối hợp với các cấp, ngành tổ chức được gần 20 cuộc tuyên truyền pháp luật, trong đó có nội dung tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho nhân dân. Cùng với đó, mở nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại cơ sở.
Qua đó đã góp phần kéo giảm tình hình mất an ninh trật tự liên quan tới khiếu nại, tố cáo trên địa bàn. Dù vậy, đối với các vụ khiếu nại, tố cáo đông người vẫn tồn tại những diễn biến phức tạp. Theo tìm hiểu, hiện toàn tỉnh có 18 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài đang được giải quyết.
Thiết nghĩ, để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, các cấp, ngành trước hết cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, làm tốt công tác hòa giải, giải quyết khiếu kiện ngay từ cơ sở; bản thân người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, trong quá trình chờ giải quyết các vụ việc cần bình tĩnh, tỉnh táo để không bị kẻ xấu lợi dụng.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()