Cần triển khai rộng rãi việc định danh cuộc gọi
Nhằm giải quyết tình trạng các đối tượng giả mạo cơ quan, tổ chức gọi điện lừa đảo người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định danh số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ thường xuyên gọi điện cho người dân và các nhà mạng. Việc làm này đã cho thấy hiệu quả khi giảm đáng kể số lượng các cuộc gọi giả mạo. Tuy nhiên, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức chưa định danh vẫn bị các đối tượng giả mạo, do đó cần triển khai rộng rãi việc định danh cuộc gọi.
Định danh cuộc gọi hạn chế giả mạo cơ quan, tổ chức
Tình trạng giả mạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gọi điện lừa đảo người dân đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong nhiều năm qua tại Việt Nam. Nhiều người dân phản ánh việc bị rất nhiều số lạ gọi điện mạo danh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mời làm “việc nhẹ lương cao” hay mời chào bất động sản, kêu gọi đầu tư… Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo còn gọi điện xưng là cán bộ của cơ quan Nhà nước hỗ trợ dịch vụ công lừa người dân cài đặt những ứng dụng có chứa mã độc để các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản.
Anh Nguyễn Quang Tuấn ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chia sẻ: “Tôi thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ số lạ xưng là nhân viên của công ty chứng khoán kêu gọi đầu tư hay các công ty bất động sản mời chào mua bất động sản. Những lần đầu nghe máy thì tôi lịch sự trả lời là không có nhu cầu rồi tắt máy, nhưng những ngày sau vẫn có rất nhiều số máy lạ cũng chào mời các dịch vụ tương tự nên khi thấy số máy lạ, tôi thường không nghe máy”.
Còn chị Phạm Thị Thu ở quận Đống Đa, TP Hà Nội thường xuyên nhận được các cuộc gọi mời tham gia những hội, nhóm kinh doanh bán hàng trực tuyến với lợi nhuận thu về từ 20 đến 30% trên 1 sản phẩm bán được. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị biết đây là hình thức lừa đảo trực tuyến nên từ chối tham gia và dặn người thân trong gia đình đề cao cảnh giác với các cuộc gọi từ số máy lạ. Chị Thu kể: “Gần như ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc gọi như vậy, mặc dù thấy số máy lạ nhưng tôi không thể không nghe vì nhỡ khách hàng gọi điện hay shipper gọi nhận đồ. Mà mỗi lần nghe điện thoại, gặp phải các đối tượng lừa đảo vừa mất thời gian vừa mang bực trong người”.
Nhằm giải quyết tình trạng các đối tượng thực hiện cuộc gọi mạo danh Bộ Thông tin và Truyền thông hay các nhà mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ ngày 27-10-2023, tất cả số điện thoại gọi đến người dân từ các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gồm: Văn phòng Bộ, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin… đều hiển thị tên định danh “Bo TTTT”. Các cuộc gọi của những doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đã hiển thị tên định danh của doanh nghiệp. Ví dụ như nhà mạng Viettel tên định danh là “VIETTELCSKH”; nhà mạng FPT tên định danh là “FPT SHOP”, nhà mạng ASIM tên định danh là “LOCAL”, nhà mạng VinaPhone tên định danh là “VINAPHONE”. Việc làm này cho thấy hiệu quả khi số lượng các cuộc gọi giả mạo những nhà mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa định danh vẫn bị các đối tượng giả mạo.
Cuộc gọi đến máy khách hàng của nhà mạng VinaPhone hiển thị tên định danh là “VINAPHONE”. Ảnh: MINH QUANG |
Cần mở rộng cơ quan, tổ chức định danh số điện thoại
Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đánh giá, việc Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng định danh số điện thoại để hạn chế cuộc gọi mạo danh là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Thảo, nếu chỉ số ít đơn vị thực hiện thì vẫn chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề, do hiện nay, các cuộc gọi lừa đảo mạo danh rất nhiều, từ mạo danh cơ quan Nhà nước đến các tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, việc định danh số điện thoại cần được nhân rộng ra tất cả cơ quan, ban, ngành và các doanh nghiệp trên cả nước. Lúc đó, người dân sẽ tránh được những cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác vẫn diễn ra thường xuyên hiện nay.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam cho rằng, việc định danh số điện thoại các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hay doanh nghiệp là một việc cần được ủng hộ. Tuy nhiên, cần làm một cách tổng thể, đã tiến hành định danh thì tất cả phải cùng làm chứ không phải chỉ một số cơ quan thực hiện, bởi như thế hiệu quả sẽ không cao. Sau khi định danh, những biện pháp khác cũng phải được thực hiện đồng bộ như quản lý tài khoản rác (SIM, tài khoản ngân hàng), tăng cường kiểm tra, xử phạt những hành vi vi phạm…
Các chuyên gia kiến nghị, cơ quan quản lý cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa không chỉ tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà còn cả những người dân ở vùng sâu, vùng xa hay những người lớn tuổi-đối tượng chủ yếu của vấn nạn lừa đảo trực tuyến hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có các chính sách để ngăn chặn việc các tổ chức sử dụng tên định danh sai mục đích, hoặc cơ quan quản lý có thể phối hợp với công ty công nghệ để đưa ra một ứng dụng giúp nhận diện, khuyến nghị các số máy lừa đảo được người dân phản ánh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, trước tình trạng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ tinh vi của các hoạt động sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý những trường hợp vi phạm; theo dõi, giám sát và chuyển nhà mạng xử lý những phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656, 156 và website: thongbaorac.ais.gov.vn; chỉ đạo các nhà mạng thường xuyên, chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn, lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác; tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-trien-khai-rong-rai-viec-dinh-danh-cuoc-goi-752032
Ý kiến ()