Cần tỉnh táo trước các thông tin xấu, độc!
Mấy năm trở lại đây, tin nhắn rác trở thành nỗi phiền phức, khó chịu với người sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam. Các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý, nhưng xem ra chưa biến chuyển. Nên hằng ngày, người sử dụng điện thoại vẫn phải nhận loại tin rao bán nhà, bán sim số đẹp, quảng cáo gia sư,... ngoài ý muốn. Gần đây lại rộ lên tin nhắn nặc danh. Nhưng sự nhố nhăng, bừa bãi, bậy bạ, nhảm nhí trên in-tơ-nét còn hệ trọng hơn cả tin nhắn rác, vì nếu một số tổ chức, cá nhân sử dụng hộp thư điện tử, lập website, blog, lợi dụng diễn đàn trên mạng để quảng cáo (nhiều khi là lừa đảo), lại có một số kẻ sử dụng in-tơ-nét làm công cụ triển khai các âm mưu đen tối để gây nhiễu loạn dư luận, lung lạc đời sống tinh thần xã hội.
Các tổ chức, cá nhân kể trên đã bày ra vô vàn “mưu ma chước quỷ”. Họ hè nhau biến một số kẻ có bản chất, hành tung xấu xa thành “người hùng”. Chẳng hạn gần đây họ đề cao một kẻ: “sẵn sàng vứt bỏ sự trí thức và nữ tính vốn có của mình” thành “nhà hoạt động có sức hút nhất”! Họ xưng xưng đổi trắng thay đen, bịa ra sự kiện, vấn đề không có trong thực tế, công bố các tài liệu giả mạo,… mà nếu thiếu tỉnh táo, người đọc rất dễ bị mê hoặc, tin theo. Đặc biệt, mỗi khi ở Việt Nam sắp diễn ra một sự kiện chính trị – xã hội quan trọng, các tổ chức, cá nhân vốn hoạt động chủ yếu là chống phá Việt Nam còn triển khai một “chiến dịch” có lớp lang, bài bản, từ đó dựng lên mê hồn trận thông tin giật gân nhằm gây mơ hồ, hoang mang trong người tiếp xúc. Trong mê hồn trận thông tin đó, có một số bức thư mà người ký tên là giả mạo, phiếm chỉ. Kẻ tung người hứng, họ xúm vào đề cao người này phê phán người khác nhằm gây mâu thuẫn nội bộ. Đặc biệt, gần đây xuất hiện một số kẻ đóng vai “nhà bình luận” để đưa tin nhảm nhí, khệnh khạng phân tích, bình luận theo “thuyết âm mưu”, võ đoán theo lối đoán mò, “thầy bói xem voi”. Tin tức, bài vở như vậy nhanh chóng được nhân rộng trên một số blog, trang facebook, trang mạng vốn là địa chỉ có thái độ thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam, và được tiếp sức qua nhiều comment cổ vũ, tiếp tục bình luận “ăn không nói có”, tìm mọi cách vu khống, vu cáo, bôi nhọ một số cá nhân, tổ chức ở Việt Nam.
Các tổ chức, cá nhân đã và đang tiến hành các hoạt động nói trên không có mục đích nào khác, ngoài mục đích đen tối là tìm mọi cách làm nhiễu thông tin, gây hoang mang trong đời sống tinh thần xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, để từ đó tiến công vào uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong bối cảnh in-tơ-nét đã trở thành môi trường giao tiếp, tiếp nhận thông tin của nhiều người trong xã hội, việc kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của họ trở thành một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người trong chúng ta. Bất bình trước thủ đoạn xấu xa, trên in-tơ-nét đã có rất nhiều tin, bài, ý kiến phân tích sâu sắc vạch trần bộ mặt, bản chất của những kẻ đang rắp tâm phá hoại sự nghiệp cách mạng chân chính của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh này cần tiếp tục theo cả chiều rộng, chiều sâu, với sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp, mọi thành phần xã hội. Để cuộc đấu tranh ngày càng hiệu quả, cùng với lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mỗi người cần tiếp tục nâng cao năng lực nhận thức, trang bị các tri thức cần thiết để có thể phân biệt đúng – sai, thật – giả, xấu – tốt, hay – dở,… từ đó không bị lây nhiễm bởi cái xấu. Thiết nghĩ, khi hành động chống phá của một số tổ chức, cá nhân ngày càng ngang nhiên, bất chấp cả luật pháp,… thì các cơ quan chức năng cần có biện pháp cụ thể để bảo vệ, giữ gìn kỷ cương, phép nước; bảo vệ sự phong phú, đa dạng song phải trung thực, đúng đắn của môi trường thông tin; bảo vệ sự trong sạch, lành mạnh của đời sống xã hội.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()