Cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
– Ngày 17/2, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình thực hiện một số đề án, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và tiến độ sản xuất vụ xuân 2022.
Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030 và đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện.
Theo đó, công tác tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 61 sản phẩm OCOP, trong đó có 44 sản phẩm 3 sao và 17 sản phẩm 4 sao. Trong tháng 2/2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh sẽ tiếp tục đánh giá 26 sản phẩm đã gửi hồ sơ. Bước đầu, chương trình OCOP đã tạo ra sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, qua đó, thị trường được mở rộng, giá trị sản phẩm được nâng lên.
Đối với phát triển lâm nghiệp, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới trên 9.000 ha rừng; các mô hình gieo ươm giống cây lâm nghiệp phát triển mạnh với năng lực sản xuất trên 200 triệu cây giống/năm. Lĩnh vực chế biến lâm sản cũng phát triển khá nhanh với 244 cơ sở trong toàn tỉnh. Việc phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, hình thành các vùng rừng kinh tế theo quy hoạch; hiệu quả kinh tế từ rừng ngày càng được nâng cao.
Đối với thực hiện Nghị quyết số 08, ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết số 15, ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận chính sách, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Đến nay, ngân hàng đã giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất theo các nghị quyết với số tiền trên 179 tỷ đồng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đối với tiến độ sản xuất vụ xuân, đến trung tuần tháng 2/2022, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 5,8 nghìn héc-ta cây trồng vụ đông – xuân, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Hiện nay, người dân đang tập trung thu hoạch một số loại cây trồng vụ đông và đẩy nhanh tiến độ cây trồng vụ xuân. Công tác chuẩn bị vật tư cho sản xuất được đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Trong chăn nuôi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn phát sinh, tuy nhiên, cơ quan chuyên môn đã chủ động khống chế trong diện hẹp, không để lây lan.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ra quân trồng cây đầu xuân, làm giao thông, thuỷ lợi, đảm bảo các điều kiện cho vụ sản xuất mới.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích, làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện các đề án, chính sách trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó tập trung thảo luận về việc phát triển một số cây trồng chủ lực như: thạch đen, cây ăn quả, thuốc lá; trồng rừng; phát triển sản phẩm OCOP…Đồng thời, đề xuất các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trong thực hiện các đề án, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị: Các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp để thực hiện tốt các đề án, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Trong đó, cần tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển chế biến; nghiên cứu các loại cây trồng mới, sản phẩm mới và áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với tìm kiếm, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, các ngành liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh những cơ chế, chính sách mới để thực hiện tốt hơn nữa chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()