Cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh
Hiện nay, việc rà soát, cắt chuyển một phần diện tích do các lâm trường quản lý về cho địa phương để giao cho hộ gia đình đã góp phần giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Diện tích đất rừng do Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Gia Nghĩa (Đăk Nông) quản lý (Ảnh: HNV) |
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc rà soát được tiến hành sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 200/2004/NĐ-CP, nhưng việc giao lại cho hộ gia đình tiến hành chậm. Nhiều diện tích cắt chuyển chưa giao được hoặc chưa được giao do đất xa khu dân cư, núi đá, thiếu kinh phí… Một số địa phương và hộ dân không muốn nhận đất và rừng vì không có vốn đầu tư, chính sách hưởng lợi chưa rõ ràng. Công tác rà soát chưa chính xác, đồng bộ và thống nhất giữa các cấp, có nơi chỉ giao trên bản đồ, không giao trên thực địa. Thêm nữa, cũng chưa có chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho người dân trong và sau giao đất.
Trong khi đó, nhu cầu đất của người dân miền núi để sản xuất là chính đáng. Vì vậy, việc tiếp tục rà soát diện tích đất gần dân, diện tích không tập trung để giao cần được tiến hành, tuy nhiên, phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận và phù hợp giữa các đối tượng có đất thu hồi và đối tượng được giao để đất có thể giao và sử dụng được. Cần rà soát đối tượng nhận đất có nhu cầu thực sự, có khả năng sử dụng và thiếu đất để giao đúng đối tượng, hạn chế việc bỏ hóa đất không sử dụng hoặc mua bán chuyển nhượng bất hợp pháp.
Điều quan trọng hiện nay, theo một số nhà quản lý và các chuyên gia, cần tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của chính quyền địa phương và tham mưu của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng đất.
Theo Báo cáo “Thực trạng quản lý sử dụng đất lâm nghiệp sau thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị tại Quảng Bình và Hà Tĩnh” của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện, rừng được giao cho dân phần lớn sử dụng có hiệu quả, phát huy được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cũng chỉ nên giao rừng sản xuất cho hộ dân, việc giao rừng tự nhiên cho người dân cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng. Đối với rừng phòng hộ nên giao cho cộng đồng hoặc thực hiện hình thức khoán.
Trong khi đó, theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, sau 10 năm đổi mới, sắp xếp, hầu hết nông, lâm trường có tình hình tài chính yếu kém và sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp. Một số công ty nông nghiệp chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa tương xứng với nguồn lực đất đai được giao. Thu nhập bình quân của người lao động ở một số công ty nông nghiệp và nhiều công ty lâm nghiệp ở miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ chỉ một đến hai triệu đồng người/tháng; nhất là ở vùng Tây Nguyên, nhiều công ty lâm nghiệp không có nguồn thu, cho nên thu nhập từ lâm trường còn thấp hơn, thậm chí một số công ty lâm nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của công nhân.
Theo TS Phạm Quốc Doanh, Phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, những bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan là do nhiều nông, lâm trường hoạt động trên địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hạ tầng kinh tế – xã hội thấp; sản xuất phụ thuộc nhiều vào địa hình và khí hậu, thời tiết. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Ðó là nhận thức của nhiều cấp, ngành về mục đích, yêu cầu và nội dung Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị chưa đầy đủ, chưa đúng vị trí, vai trò của nông, lâm trường, còn tư tưởng coi nhẹ, tránh né. Một bộ phận lãnh đạo nông, lâm trường muốn duy trì cơ chế cũ, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động tháo gỡ khó khăn, đổi mới quản lý, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Một số cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế, chưa tạo được chuyển biến căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong một số công ty chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu sự phối hợp với địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, chuyển giao đất, rừng về địa phương quản lý. Tổ chức, chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết của một số bộ, ngành và địa phương chưa quyết liệt, phối hợp thiếu đồng bộ, còn hiện tượng khoán trắng cho cơ quan chuyên môn.
Ðể khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, các nhà quản lý cùng các chuyên gia trong lĩnh vực này đề xuất, cần có bước đột phá tạo sự thay đổi cơ bản về quản trị doanh nghiệp, trước hết về quản lý sử dụng đất, vốn, tài sản tại doanh nghiệp… Để việc thực hiện Nghị quyết 28/NQ-CP đạt kết quả cao hơn, thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục quá trình rà soát sắp xếp lại các Công ty lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng để ổn định quản lý đất, rừng và sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 28, tăng cường hoạt động dịch vụ hỗ trợ các hộ dân làm rừng. Những diện tích đất gần khu dân cư cần xem xét để cắt chuyển giao cho hộ dân tại chỗ để giải quyết nhu cầu đất sản xuất.
Nhằm đồng bộ hơn về chính sách, pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách về quản lý đất đai, bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ & phát triển rừng 2004, quy hoạch quản lý sử dụng đất của Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục mở rộng nghiên cứu đánh giá thực trạng quản lý sử dụng đất sau thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị tại các địa phương khác trên toàn quốc.
Ngoài ra, cần phải nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý rừng của các công ty lâm nghiệp và Ban quản lý rừng để phục vụ triển khai đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí rà soát đánh giá đất đai cắt chuyển từ các nông lâm trường và ban quản lý trên cơ sở quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng; nghiên cứu đánh giá nhu cầu đất của người dân miền núi…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()