Cần tiếp tục quan tâm xây dựng tổ chức công đoàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh
LSO-Đến năm 2017, toàn tỉnh mới có 127 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) thành lập tổ chức công đoàn, đạt 63,8% với 4.904 đoàn viên, đạt tỷ lệ 69,8%. Con số này thấp hơn nhiều so với tổng số DNNQD đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn.
Công nhân sản xuất gạch Tuy-nen tại doanh nghiệp Toàn Phát được đảm bảo quyền lợi lao động |
Hiện nay 80% số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ nên tình hình việc làm và lao động (LĐ) không ổn định. Tuy nhiên, hiện còn 72 DNNQD đủ điều kiện nhưng vẫn chưa thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), đồng nghĩa với hơn 2.100 công nhân LĐ có việc làm ổn định, đủ điều kiện kết nạp chưa được tham gia tổ chức công đoàn. Nhiều DN có số đông về LĐ, nhưng cũng chỉ ký kết hợp đồng theo thời vụ, hoặc không ký kết hợp đồng LĐ để tránh việc thành lập tổ chức công đoàn và phải chi phí các khoản chế độ bảo hiểm cho người LĐ. Điều này đã khiến nhiều LĐ không được tổ chức công đoàn chăm lo đời sống và đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Ngày 18/7/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kỳ họp lần thứ 21 nghe Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 17/7/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV về tăng cường sự lãnh đạo công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn trong các DNNQD. Báo cáo đánh giá hạn chế của việc thành lập CĐCS tại DNNQD là do sự vào cuộc chưa kịp thời, thiếu đồng bộ của CĐCS các cấp và chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức công đoàn. Một số công đoàn cấp trên chưa chủ động tích cực trong việc triển khai chương trình phát triển đoàn viên, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động DN. Đa số người sử dụng LĐ chưa sẵn sàng hợp tác với cán bộ công đoàn để thành lập CĐCS tại DN.
Ông Lô Tiến Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Để khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các DNNQD. Trước mắt, LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ các huyện, thành phố sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành lập kế hoạch, khảo sát hoạt động của các DN, tìm hiểu nắm bắt tâm lý của chủ DN, ngành nghề kinh doanh, số lượng LĐ, thu nhập bình quân đầu người… Cùng với đó, tổ chức tập huấn những kiến thức cơ bản của pháp luật về LĐ để nâng cao nhận thức, thuyết phục các chủ DN, người LĐ tham gia xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua, tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; từng bước tạo niềm tin cho người LĐ và người sử dụng LĐ vào tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa ổn định và phát triển trong DN. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu 100% DN có từ 15 công nhân LĐ trở lên thành lập được tổ chức công đoàn, 70% trở lên người LĐ là đoàn viên công đoàn; trên 90% số CĐCS DN đại diện cho công nhân, người LĐ ký thỏa ước LĐ tập thể, đảm bảo hài hòa về quyền, lợi ích, trách nhiệm giữa DN và người LĐ; hằng năm có trên 60% CĐCS DNNQD đạt trong sạch vững mạnh…
Để thực hiện được mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp công đoàn trong tỉnh cần đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức hoạt động, thể hiện rõ vai trò thông qua giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến người LĐ. Có như vậy mới thu hút ngày càng nhiều công nhân, người LĐ, DN tham gia vào tổ chức công đoàn.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()