Cần tiếp tục khẳng định và hoàn thiện quy định về Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp
Giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đã khẳng định vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, ngày nay vẫn giữ vai trò nòng cốt, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của giai cấp công nhân mà đại diện là tổ chức Công đoàn Việt Nam, Hiến pháp năm 1980 đã dành riêng một điều (Điều 10) để quy định về Công đoàn Việt Nam: "Tổng Công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước. Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn tham gia công việc Nhà nước và kiểm tra hoạt động của cơ quan Nhà nước, tham gia quản lý xí nghiệp; giáo dục công nhân, viên chức; tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa; cùng với cơ quan Nhà nước chăm lo đời sống và bảo đảm...
Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của giai cấp công nhân mà đại diện là tổ chức Công đoàn Việt Nam, Hiến pháp năm 1980 đã dành riêng một điều (Điều 10) để quy định về Công đoàn Việt Nam: “Tổng Công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước. Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn tham gia công việc Nhà nước và kiểm tra hoạt động của cơ quan Nhà nước, tham gia quản lý xí nghiệp; giáo dục công nhân, viên chức; tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa; cùng với cơ quan Nhà nước chăm lo đời sống và bảo đảm quyền lợi của công nhân, viên chức”. Trong hơn 30 năm thực thi, Hiến pháp nước ta đã có hai lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1992 và 2001 và nội dung liên quan đến vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục được nhất quán khẳng định bằng một điều quy định riêng và ngày càng hoàn thiện hơn cho phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Kế thừa quan điểm nhất quán và tiến trình hoàn thiện đó, trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân cũng đã dành riêng Điều 10 để quy định về tổ chức Công đoàn Việt Nam với nội dung: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Là một cán bộ công đoàn lâu năm, tôi cho rằng, việc vẫn tiếp tục dành riêng và sửa đổi nội dung Điều 10 quy định về tổ chức Công đoàn Việt Nam như Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) là thật sự cần thiết và hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới. Tuy nhiên, theo tôi luận điểm “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động” nên tiếp tục được kế thừa như quy định tại Hiến pháp năm 1980 để khẳng định tính chất quần chúng của Công đoàn, bên cạnh tính giai cấp luôn được khẳng định nhất quán, đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh luôn được đặt ra cấp thiết. Cùng với đó, cũng nên lược bớt một cụm từ “người lao động” để tránh trùng lặp. Theo đó, nội dung Điều 10 sẽ là: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()