Cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp
LSO-6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã có 200 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng cũng trong thời gian này có 25 DN giải thể (bằng cùng kỳ) và 35 DN, chi nhánh thông báo tạm ngừng hoạt động (tăng 9,3% so với cùng kỳ). Như vậy, để đạt được mục tiêu thành lập mới 500 DN trong năm 2017 thì các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ cho DN.
Công nhân Công ty TNHH Bảo Long hoàn thiện sản phẩm máy bơm |
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.400 DN đang hoạt động. Ông Lê Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thời gian qua, dù tăng mạnh về số lượng DN, nhưng đa phần là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Với quy mô nhỏ, không chỉ vốn mà kinh nghiệm quản lý, điều kiện kỹ thuật của DN vừa và nhỏ sẽ hạn chế. Do đó, hiệu quả kinh doanh chưa cao và ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Thực tế, DN khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về việc thực hiện các thủ tục như: thủ tục về thuế, thuê đất, mặt bằng…, đặc biệt là về vốn. Ông Nguyễn Học Cường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Rào cản lớn nhất của các DN mới khởi nghiệp chính là hạn chế về vốn. Do vậy, việc thiết yếu nhất chính là hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn từ các ngân hàng. Về điều này, hiện các ngân hàng thương mại đã chủ động tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp. Theo đó, thời gian qua đã có một số DN mới thành lập được tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất ngắn hạn, lãi suất 6 tháng đầu tiên chỉ bằng 75% lãi suất thông thường. Vừa có vốn, vừa được hưởng lãi suất ưu đãi sẽ giúp các DN mới thành lập có nền tảng vững chắc hơn để hướng đến sản xuất, kinh doanh thành công.
Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ vừa qua, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh nỗ lực phấn đấu thành lập 500 DN mới trong năm 2017, chính vì thế không thể đứng nhìn DN “dừng cuộc chơi”. Chỉ trong nửa năm, đã có 25 DN giải thể và 35 DN, chi nhánh tạm ngừng hoạt động. Do đó, các sở, ngành, các huyện và thành phố cần tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm của ngành, của địa phương mình đã đề ra từ đầu năm. Nhất là các huyện, thành phố, cần tiếp tục vận động các hộ kinh doanh lớn, có doanh số và mức khoán thuế cao đăng ký thành lập DN; khuyến khích các hộ kinh doanh trong ngành, nghề dịch vụ karaoke, ăn uống, nhà hàng, cơ sở giáo dục – đào tạo tư thục, dân lập, cơ sở y tế tư nhân chuyển đổi thành DN. Ngoài ra, cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các DN.
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng: Hiện công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn một số mặt hạn chế, chính vì vậy, DN vẫn phát sinh những chi phí không chính thức khi làm thủ tục, thời gian thực hiện một số thủ tục vẫn còn dài, thiết chế pháp lý chưa rõ ràng… Do vậy, tỉnh cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng DN hoạt động. Đặc biệt, đối với các DN mới thành lập, tỉnh cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời.
Theo đó, để số DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ không “tạm dừng” cuộc chơi sớm thì cần phải nâng cao sức mạnh nội tại của chính các DN này. Cụ thể, các ngành liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài chính… cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo khởi sự DN, bổ sung kiến thức về quản lý, kế toán, tài chính, khả năng lập dự án, nâng cao vai trò điều hành, quản lý của các lãnh đạo DN; hỗ trợ DN khởi nghiệp tiếp cận các công cụ quản lý, hỗ trợ quản lý nhằm tạo thuận lợi cho DN trong quá trình hoạt động; hình thành quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp hỗ trợ việc tiếp cận vốn đối với các DN có nhu cầu vốn vay; hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách của nhà nước…
Với việc tiếp tục tháo gỡ các “nút thắt” còn lại, đẩy mạnh khuyến khích khởi nghiệp, hy vọng tỉnh ta có thể đạt mục tiêu thành lập 500 DN mới trong năm nay. Và hướng đến mục tiêu năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 3.700 DN hoạt động.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()