Cần tiếp tục bảo tồn vườn hồng cổ trước nguy cơ thoái hóa
– Nhiều năm qua, cây hồng vành khuyên mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Văn Lãng. Theo thời gian, cây “hồng tổ” và nhiều gốc hồng cổ đã bị chết do già cỗi. Hiện, trên địa bàn còn rất ít gốc hồng cổ nhưng cũng đứng trước nguy cơ thoái hóa, cần được bảo tồn.
Chúng tôi có mặt tại vườn hồng cổ của gia đình anh Nông Văn Tráng, thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ trong một ngày đầu tháng 10/2021. Theo quan sát, vườn hồng của gia đình anh có 20 cây có tuổi đời hơn 50 năm, trong đó có 10 cây cổ thụ với đường kính gốc từ 60 đến 80 cm, cao trên 10 m. Anh Tráng kể: Những cây hồng này được cha mẹ tôi trồng từ năm 1968, giờ đây, đa phần bị mục rễ, sâu đục cành và xuất hiện nhiều cây tầm gửi. Những năm gần đây, sản lượng của mỗi cây chỉ bằng 30% so với cây hồng trên 10 năm tuổi. Gia đình tôi cũng chưa có biện pháp hữu ích để cây sinh trưởng tốt, cho nhiều quả.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng (ở giữa) và người dân kiểm tra gốc hồng cổ 53 tuổi tại thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ
Tương tự, 3 gia đình khác trong thôn cũng có mỗi hộ vài gốc hồng cổ được trồng từ những năm 1950, 1960 nhưng đều đã bị thối, mục rễ và thân, cành. Ông Hoàng Văn Hậu, Trưởng thôn Nà Mò cho biết: Hằng năm, 4 hộ dân có vườn hồng cổ vẫn làm cỏ, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây nhưng các phương pháp này còn thủ công và gặp khó khăn nhất định như cây hồng cổ rất cao lớn khó phun thuốc phòng trừ sâu bệnh… Chúng tôi rất mong sẽ được cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các vườn hồng già cỗi.
Được biết, cây “hồng vành khuyên tổ” đã xuất hiện đầu tiên tại thôn Khun Chặm, xã Tân Mỹ cách đây hơn 100 năm. Từ cây “hồng tổ”, người dân Văn Lãng đã gây trồng và phát triển lên hơn 1.350 ha, trong đó, 64% diện tích cho thu hoạch. Vụ hồng năm nay, toàn huyện ước tổng sản lượng đạt 5.200 tấn, mang lại giá trị kinh tế hơn 70 tỷ đồng.
Mặc dù diện tích được nhân rộng, cho giá trị kinh tế cao song hiện nay, cây “hồng tổ” và nhiều cây hồng từ 60 đến 100 năm tuổi đã bị chết. Toàn huyện chỉ còn gần 50 gốc hồng cổ có tuổi đời từ 50 đến 60 năm tuổi thuộc 4 hộ dân ở thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ. Tất cả các cây hồng này đều có năng suất, sản lượng thấp, chỉ từ 30% đến 50% so với các cây hồng 10 năm tuổi. Không chỉ bị mục rễ, thối cành, đa phần các cây đều xuất hiện tầm gửi. Yếu tố thời gian và việc chăm sóc cây còn nhiều hạn chế là nguyên nhân chính khiến các cây hồng cổ bị chết, có nguy cơ thoái hóa.
Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Lãng cho biết: Việc bảo tồn diện tích cây hồng vành khuyên cổ rất quan trọng. Trước hết những cây hồng này có giá trị minh chứng cho nguồn gen quý hồng vành khuyên – loại cây bản địa của huyện, cây cho sản phẩm đặc sản của tỉnh. Ngoài ra còn phục vụ các nhà khoa học ở trung ương và địa phương nghiên cứu về nguồn gen loại hồng này nói riêng, các loại cây hồng nói chung. Cùng với đó, các vườn hồng cổ có tác dụng rất lớn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn trong thời gian tới.
Với ý nghĩa đó, việc chăm sóc, duy trì sự sinh trưởng vườn hồng cổ ở huyện Văn Lãng là hết sức quan trọng. Do đó, chính quyền, cơ quan chuyên môn, người trồng hồng ở Văn Lãng cần tiếp tục quan tâm phát triển hồng vành khuyên trong đó có chăm sóc các cây hồng cổ.
Ông Lê Tuấn Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Để nâng cao chất lượng, nâng tầm ảnh hưởng và thương hiệu “hồng vành khuyên”, bảo tồn nguồn gen quý, duy trì sự sống của diện tích vườn hồng cổ, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng NN&PTNT tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc diện tích cây hồng cổ; yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan trong huyện xây dựng kế hoạch cụ thể việc sử dụng các vườn hồng cổ phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, UBND huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh xúc tiến tiêu thụ và chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ hồng vành khuyên giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tạo nguồn thu, giải quyết bài toán giảm nghèo cho địa phương.
Được biết, ngay sau khi UBND huyện Văn Lãng ban hành Quyết định 604/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch huyện Văn Lãng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với đơn vị liên quan rà soát được 50 vườn hồng, trong đó lấy điểm nhấn là 4 vườn hồng cổ để phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn trong thời gian tới. Phòng đã và đang tiếp tục phối hợp bình tuyển cây đầu dòng để duy trì nguồn gen quý “hồng vành khuyên”, và nghiên cứu ứng dụng các phương pháp trẻ hóa vườn hồng.
Ý kiến ()