Cần Thơ phấn đấu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 1,45 tỷ USD
Sở Công Thương tỉnh Cần Thơ đề ra chỉ tiêu từ nay đến cuối năm 2015 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,30 tỷ USD, góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2015 đạt 1,45 tỷ USD.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, tỉnh Cần Thơ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu 8 mặt hàng chủ lực gồm gạo, thủy sản, nông sản chế biến, sản phẩm may, dược phẩm, da thuộc, lông vũ và hàng thủ công mỹ nghệ. Trong đó 3 mặt hàng gạo, thủy sản, may chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Đối với mặt hàng gạo, tỉnh Cần Thơ đầu tư lắp mới thêm các dây chuyền, xay xát, đánh bóng, đóng gói gạo nhằm nâng cao chất lượng, hạ thấp tỉ lệ tấm trong thành phẩm, nâng số lượng gạo cao cấp xuất khẩu vào thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Bắc Mỹ. Tỉnh Cần Thơ cũng chỉnh đốn đội ngũ doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tiêu thụ trên 700.000 tấn lúa hàng hóa do nông dân làm ra đồng thời loại bỏ bớt thành phần tham gia xuất khẩu tự phát, chạy theo lợi nhuận thương mại; tổ chức tốt hệ thống thu mua, chế biến và bảo quản, hoàn thành tốt việc mua tạm trữ lúa gạo theo chỉ đạo của Chính phủ; mở rộng liên kết, mua thêm nguyên liệu tại nhiều địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để chế biến và xuất khẩu 850.000 tấn gạo trong năm 2015.
Cùng với đó, Cần Thơ tăng cường quản lý chất lượng thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đối với nhiều sản phẩm, hạn chế quan hệ với đối tác trung gian mà giao dịch trực tiếp với khách hàng, với người tiêu dùng nước ngoài và tăng quy mô sản xuất để giảm thêm chi phí và đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài. Cần Thơ hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng giao tiếp trong quan hệ ngoại thương; làm cầu nối giới thiệu các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp địa phương đồng thời giúp các doanh nghiệp đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng quan hệ ngoại thương tại các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ, Anh, Australia, Bỉ, Singapore, Indonesia. Cần Thơ giảm chế biến thủy sản thô mà đa dạng hóa và tăng tỷ trọng sản phẩm cao cấp; quản lý chất lượng và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn; tập trung chế biến tôm, đặc biệt là tôm sú, các loại cá ướp đông phi lê và nguyên con, sản phẩm nhuyễn thể đóng gói nhỏ ăn liền, nấu liền… là những mặt hàng tiêu thụ mạnh trên thị trường quốc tế.
Đối với sản phẩm may, Cần Thơ phấn đấu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm may từ 50% lên 55% cho phù hợp với xu thế chung trên thế giới đồng thời hiện đại hóa ngành may, tạo ra bước tiến mới về chất và lượng sản phẩm song song với phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập với khu vực Đông Nam Á và thế giới. Cần Thơ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trong nước cũng như nước ngoài nhằm tiêu thụ 8 triệu sản phẩm may tại các thị trường truyền thống thuộc các nước EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản đồng thời mở rộng thị trường mới tại các nước Ấn Độ, Canada, Newzealand, Australia, vùng Trung Đông nhằm tiêu thụ thêm 1 triệu sản phẩm. Cần Thơ khắc phục tồn tại trong các khâu thiết kế, cung cấp nguyên liệu, bằng cách “phân khúc” thị trường xuất khẩu để xác định đúng “mắt xích” trong chuỗi giá trị nhằm đầu tư cho khâu thiết kế phù hợp đối với các thị trường “dễ tính” như Hàn Quốc, Angola, Newzealand, Ấn Độ, Nga đồng thời nâng cao “tính thời trang” (chủ yếu là mẫu mã, kiểu dáng) đối với các mặt hàng xuất sang thị trường “khó tính” như EU, Hoa Kỳ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ đạt 147 triệu USD, giảm 5,8% giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó giá trị một số mặt hàng giảm nhiều như gạo giảm 13,2%, thủy sản giảm 11,2%, hàng thủ công mỹ nghệ giảm 64,7%.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()