Cần Thơ mở rộng xây dựng chợ nông thôn, hoạt động ngoại thương
Hiện nay, thành phố Cần Thơ đang triển khai dự án hiện đại hóa hệ thống chợ đô thị, mở rộng xây dựng chợ nông thôn, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập từ nay đến năm 2025; đưa Cần Thơ trở thành trung tâm thương mại của vùng đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch của Chính phủ.
Hiện nay, thành phố Cần Thơ đang triển khai dự án hiện đại hóa hệ thống chợ đô thị, mở rộng xây dựng chợ nông thôn, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập từ nay đến năm 2025; đưa Cần Thơ trở thành trung tâm thương mại của vùng đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch của Chính phủ.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Cần Thơ xây dựng 110 chợ nông thôn, 14 siêu thị, 17 trung tâm thương mại tại các đô thị, thị trấn; trong đó có 1 trung tâm thương mại cấp vùng, 3 chợ đầu mối chuyên kinh doanh nông thủy sản, các trung tâm thương mại Tân An (quận Ninh Kiều), Bình Thủy (quận Bình Thủy), trung tâm thương mại huyện Thốt Nốt và xây dựng tại mỗi quận, huyện một siêu thị kinh doanh tổng hợp. Cần Thơ hợp tác với một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong ngoài nước xây dựng khu trung tâm tài chính, thương mại, hội nghị quốc tế lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long tại quận trung tâm Ninh Kiều. Đối với cấp huyện, Cần Thơ đầu tư cải taọ, nâng cấp 65 chợ loại II, III.
Từ nay đến năm 2015, Cần Thơ xây dựng trung tâm thương mại Ngân Thuận, siêu thị thời trang, siêu thị bách hóa tổng hợp, cao ốc Tây Nguyên Plaza tại khu Nam Hưng Phú và cao ốc 25 tầng tại cồn Cái Khế, mở rộng siêu thị Co-op Mart giai đọan II; chợ 3 Tháng 2, An Nghiệp, An Thới, Thới An Đông, Bình Thủy, Mỹ Khánh, An Hòa, các chợ cụm xã như chợ số 2, Láng Sen, chợ Kênh, Ngã Tư …
Bên cạnh việc mở rộng xây dựng chợ nông thôn, Cần Thơ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nhanh với thị trường quốc tế, đối tác nước ngoài, định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác tốt nhất các cơ hội thương mại quốc tế, các hiệp định thương mại song phương, các khu vực mậu dịch và diễn đàn hợp tác kinh tế mà Việt Nam đã tham gia như WTO, AFTA, AOEC…. Cần Thơ hỗ trợ các doanh nghiệp giữ vững quan hệ ngoại thương với các thị trường truyền thống tại châu Á, châu Âu, châu Đại Dương; mở rộng quan hệ ngoại thương tại các thị trường quốc tế mới như EU, Bắc Mỹ, các nước SNG, Trung Đông; đồng thời, mở rộng quan hệ với các hiệp hội, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Cần Thơ tận dụng mối quan hệ của đội ngũ thương nhân là Việt kiều ở nước ngoài để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho hàng hóa Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cần Thơ cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng thiết thực, hiệu quả; đồng thời, thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, tăng cường hoàn thiện cơ sở hạ tầng, áp dụng chính sách ưu đãi nhằm tạo môi trường hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cần Thơ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng nhập khẩu vào các nhóm hàng công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại mà Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu nhằm phục vụ phát triển ngành công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ đẩy mạnh phát triển các loại hình phục vụ hoạt động dịch vụ ngoại thương theo hướng hội nhập, hiện đại bằng cách đa dạng hóa các loại hình sở hữu, sản xuất, kinh doanh, trong đó có dịch vụ tài chính – ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()