Cần thiết triển khai nhanh dự án cao tốc Bắc - Nam
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp chiều 11-6
Phương án khả thi
“45 năm sau giải phóng, đất nước chúng ta chưa có một con đường cao tốc Bắc – Nam, con đường huyết mạch. Đây là một sự chậm trễ cũng là trách nhiệm của chúng ta”, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nhấn mạnh. Ông đặt câu hỏi: mỗi giờ hiện nay bất kỳ con đường nào từ Bắc vào Nam chỉ đi được khoảng 60 đến 70 km/h, trong khi cao tốc đi được 120 km/h thì hàng giờ chúng ta thiệt hại bao nhiêu cho nền kinh tế.
Đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng, việc triển khai càng sớm càng tốt dự án cao tốc Bắc – Nam là yêu cầu cấp thiết và bức xúc. “Nếu có đường cao tốc Bắc – Nam chắc chắn không còn tình trạng có nơi dưa hấu chỉ 1.000 đồng/kg nhưng tại Hà Nội, trong siêu thị vẫn 15.000 đồng/kg và sẽ giúp cho các địa phương tránh được tình trạng được mùa mất giá”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) dẫn báo cáo của Chính phủ để nói về tầm quan trọng của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam. Ông cho biết, hành lang vận tải Bắc – Nam đoạn Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại 1, loại 2 và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối ba vùng kinh tế trọng điểm.
“Với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính chất lan tỏa nhất, rất cần thiết ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế”, ông nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Hồng Hải, đối với những dự án quan trọng cấp bách, việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư 100% vốn đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ. “Chuyển sang phương thức đầu tư 100% vốn đầu tư công đối với ba dự án là phương thức khả thi nhất trong điều kiện hiện nay”, ông nói.
Đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng, những năm vừa qua, dự án PPP đã có rất nhiều vấn đề và bây giờ các nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào các dự án PPP. “Chúng ta nhìn thấy hậu quả rất là rõ trong thời gian qua. Tại sao chúng ta còn phải băn khoăn trong vấn đề này?”, ông đặt câu hỏi.
Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng, đây là “thời điểm vàng” về vốn ngân sách để đầu tư cho cao tốc Bắc – Nam. “Với điều kiện thị trường tại thời điểm này, dự báo đến cuối năm 2020 và một, hai năm tới, việc huy động vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ khá thuận lợi. Chúng ta với tư duy kiến tạo, dám làm, dám quyết cần đồng tâm, thống nhất tận dụng cơ hội này để làm một việc lớn cho quốc gia dân tộc, đó là xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam chủ yếu bằng vốn ngân sách, trong đó phần lớn là vốn trái phiếu Chính phủ. “Hiện nay lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ dài hạn 15 đến 20 năm là 3,5% chỉ bằng 1/3 mức lãi suất trong giai đoạn 2012- 2015 khi chúng ta phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng lớn 34.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư bảy lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở hầu hết các tỉnh và thành phố”, ông dẫn chứng.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định trước Quốc hội, đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ hơn đầu tư PPP. Ông cho biết, nếu đầu tư theo hình thức PPP, ngay bây giờ phải đấu thầu trong nước để chọn nhà đầu tư, nhưng tới tháng 11 chúng ta mới công bố được quyết định nhà đầu tư. Bởi vì, thời gian cho nhà đầu tư nghiên cứu ba tháng, ba tháng còn lại các bộ, ngành, trong đó Bộ Giao thông phải thẩm định, phê duyệt trình Chính phủ. Tới tháng 11, chúng ta ký hợp đồng cho nhà đầu tư sáu tháng để thu xếp hơn 20.000 tỷ. Nếu dự án nào thu xếp đủ vốn thì mới cho triển khai thi công, nếu không chúng ta phải hủy kết quả đấu thầu, hủy hợp đồng và tiến hành báo cáo lại.
Theo Bộ trưởng, nếu chuyển qua đầu tư công thì hiện nay đã chuẩn bị điều chỉnh thiết kế, phân chia gói thầu và hoàn thành dự toán, chỉ chờ Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ thì phê duyệt dự án điều chỉnh không phải đấu thầu nữa, hồ sơ thiết kế phê duyệt lại không phải đấu thầu nữa.
“Dự toán cũng phê duyệt lại hồ sơ mời thầu, chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng, tới thời điểm tháng 6, tháng 7 là chúng tôi phát hành hồ sơ mời thầu, các nhà thầu sẽ tham gia trong ba tháng, đến cuối tháng 9 chúng ta sẽ có kết quả và khởi công một vài gói thầu. Chúng tôi sẽ tập trung khởi công trong tháng 10, tháng 11. Có nghĩa rằng nếu chuyển sang đầu tư công thì toàn bộ các gói thầu của 3 dự án này sẽ khởi công trong năm nay. Còn nếu làm theo hình thức PPP thì xin thưa là tháng 11, tháng 12, nếu không có nhà đầu tư thì chúng ta phải quay lại báo cáo. Tới tháng 6-2021 mà không thu xếp được tín dụng cũng phải báo cáo. Và như thế thời gian thu xếp tín dụng quan trọng nhất dẫn đến chậm. Rõ ràng chúng tôi đã chuẩn bị tương đối đầy đủ và bây giờ chuyển qua đầu tư công thì chỉ phát hành hồ sơ mời thầu và thực hiện”, ông nói.
Vẫn còn băn khoăn
Mặc dù đa số đại biểu tán thành với việc chuyển hình thức đầu tư ba dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công vì giúp đẩy nhanh tiến độ, mang lại hiệu quả đầu tư, hiệu quả về kinh tế xã hội, song các đại biểu vẫn còn một số băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, sẽ khó cho Chính phủ để bảo đảm có đủ vốn cho sự điều chỉnh này là 23.461 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, khi đất nước vừa mới tạm ổn với đại dịch Covid-19, vấn đề giải phóng mặt bằng mới được 73%, phần còn lại chắc cũng không dễ, dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2023. Như vậy, áp lực về tiến độ khi dùng vốn của nhà nước là không nhỏ.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho hay, phương án cân đối vốn thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ chưa bảo đảm tính cụ thể. Theo đại biểu, phần vốn ngân sách nhà nước để đầu tư còn thiếu khoảng 23.461 tỷ đồng, Chính phủ sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công quy định rất rõ những trường hợp bị cấm, trong đó có cấm việc quyết định chủ trương đầu tư khi không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. “Nếu trong Tờ trình của Chính phủ chưa nêu rõ phương án cân đối vốn thì tôi sợ rằng chưa đủ căn cứ để Quốc hội quyết định ngay tại thời điểm hiện nay, mặc dù trên thực tế thì chúng ta hoàn toàn có thể tính toán và dự ước được kế hoạch trong thời gian tới đây có đủ 23.461 tỷ cho 3 dự án”, đại biểu nói.
Bà Vũ Thị Lưu Mai cho biết, trong tờ trình cũng dự kiến cần khoảng 7.350 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2020 để triển khai việc thi công và nguồn thì sẽ lấy từ các dự án có tiến độ giải ngân thấp hoặc có tiến độ giải ngân chậm cho dự án này. Bà cho rằng, việc chuyển đổi vốn từ các dự án giải ngân chậm cho dự án này là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, để bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án khác thì cần cân nhắc hết sức thận trọng những lý do mang tính khách quan của việc giải ngân chậm.
“Chúng ta đều biết, trong năm vừa qua, tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19. Do vậy, có những lý do khách quan của việc giải ngân chậm thì chúng ta cũng cần tính toán để bảo đảm tính nhân văn và tính công bằng trong việc chuyển đổi”- đại biểu nêu rõ.
Vấn đề tiếp theo là đối với năm dự án thành phần còn lại. Nếu như tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP thì phải bảo đảm tính chắc chắn và tính khả thi của việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Thứ hai là về tiến độ và lộ trình thực hiện. Trong nghị quyết cũng cần xác định rất rõ tiến độ và lộ trình thực hiện và Chính phủ thì chịu trách nhiệm về tiến độ và hiệu quả thực hiện dự án.
“Chúng ta đã chờ đợi ba năm, và tất cả chúng ta đều mong muốn sớm có được một công trình mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Đây là quyết tâm của Chính phủ, cũng là tâm huyết của Quốc hội. Tuy nhiên, chúng ta có mong muốn đến đâu thì cũng nhìn nhận tất cả những khó khăn để đưa ra những giải pháp phù hợp”- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Ý kiến ()