Cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội cần được sửa đổi, bổ sung.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: quochoi.vn) |
Chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Tờ trình về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) nêu rõ, sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội nói riêng; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp. Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã nỗ lực, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đổi mới, cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục chuẩn bị, tiến hành kỳ họp. Số lượng nội dung quan trọng được thảo luận, xem xét, quyết định tại mỗi kỳ họp ngày càng tăng, chất lượng các quyết định của Quốc hội được nâng lên. Các kỳ họp Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, kịp thời đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước.
Tuy vậy, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội cần được sửa đổi, bổ sung. Bởi Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Nội quy cần được sửa đổi, thay thế các điều, khoản không còn phù hợp hoặc bổ sung các quy định mới để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, từ năm 2002 đến nay, đã có những đổi mới, cải tiến về công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục thực hiện xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp theo hướng phát huy dân chủ, khoa học, tính chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan. Những đổi mới, cải tiến này đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp nên cần được quy định trong Nội quy để bảo đảm tính pháp lý. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Mặt khác, Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành sau nhiều năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được khắc phục như còn thiếu quy định về: trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định một số vấn đề quan trọng; nguyên tắc, cách thức tiến hành các phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban tổ chức tại kỳ họp Quốc hội; xem xét, quyết định và điều chỉnh chương trình kỳ họp Quốc hội; thực hiện quyền ứng cử và đề cử…
Dự thảo Nội quy về cơ bản có bố cục tương tự Nội quy hiện hành, gồm 3 chương với 53 điều; các điều luật được đặt tên. Trong đó, 23 điều được bổ sung, 29 điều được sửa đổi và 1 điều được kế thừa nguyên văn như quy định hiện hành; đồng thời bỏ một số điều của Nội quy hiện hành vì đã được thu hút vào Luật Tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết khác có liên quan hoặc không còn phù hợp với quy định mới về thẩm quyền của Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, đ ối với quy định về họp trù bị và thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội, đa số các thành viên UBTVQH tán thành với quy định về họp trù bị để thông qua chương trình kỳ họp và quy định rõ thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội. Theo đó, khai mạc kỳ họp đầu năm vào ngày 20/5, kỳ họp cuối năm vào ngày 20/10, nếu trùng vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đây là vấn đề đã được thực hiện ổn định từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đến nay, góp phần bảo đảm tiến độ, tăng tính chủ động trong việc chuẩn bị nội dung kỳ họp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí và thực hiện chương trình. Đồng thời, các đại biểu thể hiện sự đồng tình cao với việc bổ sung quy định lễ chào cờ trước khi Chủ tịch Quốc hội khai mạc và sau khi bế mạc kỳ họp, các đại biểu Quốc hội phải hát Quốc ca bởi đây là thủ tục mang tính trang nghiêm, trọng thể.
Các thành viên UBTVQH cũng tán thành với đề xuất bổ sung quy định thủ tục Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Hiến pháp và nhân dân thay cho thủ tục phát biểu nhậm chức và được tiến hành ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về bầu nhân sự.
Liên quan đến nội dung này, báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật gửi đến UBTVQH tại phiên họp cũng cho rằng cần thiết phải quy định cụ thể nghi thức tuyên thệ, trong đó cần quy định rõ các bước, các thủ tục thực hiện nghi thức này để việc tuyên thệ được diễn ra kịp thời, khẩn trương, trang trọng, bảo đảm các chức danh được bầu có thể thực hiện nhiệm vụ mới. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định một điều riêng về vấn đề này, bao gồm các quy định cụ thể về nghi lễ tuyên thệ, hình thức tuyên thệ, thời điểm tuyên thệ, trình tự các bước trong lễ tuyên thệ, nội dung tuyên thệ, trách nhiệm của người tuyên thệ, người tham dự lễ tuyên thệ…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()