Cần thiết sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Toàn cảnh phiên họp |
Kể từ khi có Luật số 72, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập quốc tế và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, sự hình thành khối cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối ASEAN dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật số 72, gây khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành Luật và công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Cùng với đó, qua tổng kết thi hành Luật số 72, một số quy định phát sinh các vướng mắc như: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế… Một số quy định của Luật số 72 chưa đáp ứng được các yêu cầu mới về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh kinh tế xã hội và quan hệ quốc tế mới.
Hơn nữa, tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế vì mục đích lao động nói chung để phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Trước thực trạng đó, Chính phủ trình Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có bố cục gồm 8 chương và 79 điều (giữ nguyên số chương và giảm 01 điều so với Luật hiện hành).
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật và đề nghị Ban soạn thảo quan tâm thêm tới những vấn đề lớn, trong đó có việc tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý Nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động trong lĩnh vực này trên cơ sở nguyên tắc của thị trường…
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, điều ước và cam kết quốc tế, Thường trực Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát mối quan hệ giữa dự thảo Luật với quy định của các luật hiện hành và các dự án Luật mà Quốc hội đang cho ý kiến, tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có kế hoạch phê chuẩn, chuẩn bị gia nhập trong thời gian tới. Đặc biệt, cần quan tâm, nghiên cứu các ý kiến góp ý sơ bộ của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam về vấn đề này. Bên cạnh đó, đề nghị quan tâm thêm việc hài hòa hóa với pháp luật của các nước tiếp nhận lao động.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đề nghị Ban Soạn thảo quan tâm, bổ sung, hoàn thiện và giải trình làm rõ vấn đề số lượng các cơ quan, tổ chức góp ý kiến còn hạn chế; chưa giải trình và làm rõ lý do sửa đổi, bổ sung mới hay bãi bỏ các quy định hiện hành; một số nội dung chưa được phân tích đánh giá cụ thể về tính khả thi, bảo đảm điều kiện về nguồn lực thực hiện; một số nội dung, giải pháp được đề cập trong Báo cáo nhưng chưa được thể hiện tại dự thảo Luật; một số quy định đã làm phát sinh chính sách mới so với nội dung chính sách khi đề nghị xây dựng dự án Luật nhưng chưa được thể hiện trong Tờ trình; chưa đưa ra định hướng xử lý và hoàn thiện tại dự thảo Luật các vấn đề giới.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên UBTVQH, phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật và nhận thấy hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện các văn bản với tinh thần đạt được yêu cầu thể chế đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, không chỉ lao động mà còn nâng cao tay nghề, tri thức để quay về đóng góp, xây dựng đất nước, giữ vững hình ảnh người Việt Nam, danh dự người Việt Nam, đề cao trách nhiệm, chất lượng việc đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, định hướng lựa chọn ngành nghề có giá trị gia tăng, phù hợp với điều kiện sức khỏe, luật pháp, tập quán nước sở tại, tăng cường quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của Luật, nhất là trong thời điểm thế giới có nhiều biến động, khó lường, phức tạp, khó đoán định về kinh tế, quan hệ cung – cầu, tác động sau đại dịch COVID-19; nhấn mạnh đây là những vấn đề cần được cập nhật trong quá trình xây dựng Luật này, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra cần có đánh giá dự báo để kịp thời bảo vệ quyền lợi người Việt Nam lao động ở nước ngoài, phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ động thích ứng và gắn kết trong quan hệ kinh tế quốc tế, cân nhắc thận trọng phù hợp với tình hình mới.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()