Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội
Sáng ngày 14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc hội khóa X thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001, được Quốc hội khóa XI sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 02 tháng 4 năm 2007. Sau 12 năm thi hành, Luật Tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Một số quy định của Luật còn quá chung, trùng lắp hoặc chưa thống nhất với các luật khác…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo tại |
Do vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luậtcủa Quốc hội Phan Trung Lý, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, trước hết, nhằm khắc phục những những hạn chế, bất cập hiện nay, phục vụ việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này còn nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn kiện khác của Đảng và đặc biệt là để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Dự thảo Luật đã có sự điều chỉnh lớn về mặt bố cục so với Luật hiện hành, gồm 6 chương với 140 điều; các điều luật đã được đặt tên để tiện cho việc theo dõi.
Các vấn đề được Ban soạn thảo xin ý kiến UBTVQH gồm: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; về Quốc hội; về Uỷ ban thường vụ Quốc hội; về Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; về đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; về các cơ quan thuộc Quốc hội.
Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cần khẳng định quan điểm sửa đổi Luật này là sửa đổi một cách căn bản, toàn diện hay chỉ bổ sung, sửa đổi những bất cập? Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu sửa toàn diện thì phải bám sát các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; đề nghị Ban soạn thảo phải trao đổi với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để sửa đổi cho đồng bộ, hài hòa với các luật tổ chức khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng không nhất trí với Dự thảo Luật quy định vị trí của đại biểu Quốc hội ở Chương IV. “Vị trí của đại biểu Quốc hội rất quan trọng, cần đổi Chương về Đại biểu Quốc hội lên thành Chương II để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đại biểu Quốc hội” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.
Đề nghị này được Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tán thành. Ông cũng nhấn mạnh 2 vấn đề khi xây dựng, sửa đổi Luật cần chú ý là vấn đề Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tại các Kỳ họp của Quốc hội; việc Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành giải trình. “Đây là những vấn đề được nhân dân quan tâm, theo dõi, đánh giá cao. Vì vậy, cần được thiết kế vào trong Luật rõ ràng hơn” – ông Ksor Phước nói.
Theo ông Ksor Phước, Luật sửa đổi phải xác định vị trí, vai trò các Kỳ họp của Quốc hội: “Hoạt động quan trọng nhất của Quốc hội chính là các Kỳ họp. Vì vậy, trong Luật này phải quy định rõ vị trí, vai trò của các Kỳ họp, đặc biệt là Kỳ họp đầu tiên và Kỳ họp cuối cùng”.
Tán thành việc sửa đổi Luật, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị, chỉ sửa đổi tối thiểu, tức là tiếp tục giữ bố cục và cơ cấu của Luật Tổ chức Quốc hội như hiện nay, sửa đổi, bổ sung những nội dung thật cần thiết để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp mới và yêu cầu thực tiễn.
Với quy định của Dự thảo Luật tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hộiNguyễn Văn Giàu cho rằng, nên tính toán, cân nhắc lại tỷ lệ cho phù hợp, thống nhất với quy hoạch đã thông qua.
Về các Ủy ban của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị, cần phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ của các Ủy ban để tránh chồng chéo, trùng lắp.
Chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hải quan (sửa đổi) và thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của Quốc hội.
Theo CPV
Ý kiến ()